Là lời trong bài "Đạo đức công dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng Báo Nhân dân, số 320 ngày 15/01/1955; trong lúc đại đa số nhân dân ta hăng hái đóng góp sức của, sức người, tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà để khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, tích cực tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà; nhưng vẫn còn một số người chỉ muốn hưởng quyền lợi mà không làm nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, thậm chí có người còn làm trái pháp luật (như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh...).
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biểu hiện tiêu cực, việc làm thiếu trách nhiệm của một số công dân đối với Tổ quốc, với cộng đồng; Người nhắc nhở các địa phương, các ngành phải quan tâm và sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp, giải thích cho quần chúng hiểu rõ địa vị cao quý của người làm chủ nước nhà, nhất trí lợi ích chung của Nhà nước và lợi ích riêng của mỗi người, qua đó nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, với cộng đồng.
Lời của Người nhanh chóng được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên toàn miền Bắc quán triệt, hiện thực hóa thành các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; tuyên truyền, giáo dục đạo đức công dân, vận động mọi người làm tròn bổn phận của người dân làm chủ; thi đua với bộ đội và nhân dân miền Nam anh dũng đang chiến đấu hy sinh xương máu để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; hàng ngàn khẩu hiệu hành động ở các địa phương được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực; nhân dân bảo nhau, cùng nhau thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động; tự giác đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ hạn, tích cực tham gia xây dựng lợi ích chung; hăng hái trong thực hiện công việc tập thể; quan tâm bảo vệ tài sản của công, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho chiến trường miền Nam giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nghĩa vụ và giữ vững đạo đức công dân, tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, vận dụng sáng tạo phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, làm cho mọi người Việt Nam hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; nêu cao ý thức công dân tích cực đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người.