14/06/2023 07:57        

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đại diện cho Báo Quân đội nhân dân dự cuộc làm việc có đồng chí Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình làm việc. Ảnh: NHẬT BẮC 

Tại buổi làm việc, báo cáo kết quả và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 73 năm qua, kể từ ngày thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (21-4-1950), Hội Nhà báo Việt Nam đã cùng những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo hội, hội viên, nhà báo luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội bất mãn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.   

Báo cáo tham luận tại buổi làm việc, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến công tác báo chí và những người làm báo. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp những người làm báo có thêm trách nhiệm, năng lượng tích cực để hoàn thành tốt công việc. Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ chia sẻ, càng trong lúc khó khăn, càng trong lúc nhiễu loạn thông tin thì càng cần tăng cường thông tin định hướng của báo chí chính thống. Trong bối cảnh nhiều thách thức đó đã thể hiện rõ bản lĩnh lãnh đạo cách mạng, bản lĩnh lãnh đạo truyền thông báo chí của Đảng, Chính phủ.

Bày tỏ trăn trở về việc làm thế nào để thông tin chính thống vững vàng, là dòng chảy chủ lưu trong đời sống xã hội, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cho rằng, Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong quy hoạch báo chí; quan tâm, đầu tư cho báo chí chính thống, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực; tạo hành lang, pháp lý để nâng cao vị thế người làm báo, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Với những người làm báo, cần thấy rõ trách nhiệm của mình với Đảng, Nhà nước, nhân dân, phải có lòng tự trọng nghề nghiệp.

Báo chí phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tích, kết quả, sự cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về công tác chính trị, tư tưởng, báo chí, truyền thông. Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Hội cũng đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh cùng các đại biểu, nhà báo lão thành. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng nhấn mạnh: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước - đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Báo chí cũng phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội.

Thủ tướng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên... Đặc biệt là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…

Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.

Nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ được Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đề ra, đồng thời gợi mở một số vấn đề để báo chí cách mạng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

“Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, đồng hành, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường tập hợp, đoàn kết hội viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đổi mới, sự phát triển của đất nước; phát huy dân chủ kỷ cương, tăng cường phản biện xã hội để đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn, đưa ý Đảng đến gần dân hơn. Làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch.

Phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp

Thủ tướng đề nghị, báo chí phải tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế. Phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực, góp phần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo đường lối của Đảng và quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Thủ tướng mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội.

Báo chí phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời, Thủ tướng mong muốn báo chí hưởng ứng mạnh mẽ, đóng góp tích cực hơn nữa cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo những người yếu thế, phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số báo chí

Thủ tướng đề nghị tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông. Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh. Khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, chạy theo thị hiếu tầm thường.

Quan tâm phát triển nguồn lực con người, tài chính ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, liên kết trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật để nhà báo bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm với công việc, để tâm sáng, lòng trong, bút sắc, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao. 

Hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm báo. 

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất trân trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong xây dựng, thực thi chính sách. Chính phủ cũng mong muốn báo chí phát huy hơn nữa tinh thần báo chí cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn như Luật Đất đai, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đại đoàn kết dân tộc... 

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và tăng cường sự tin tưởng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho báo chí. 

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trao đổi, giải đáp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và cho chủ trương xử lý các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí; biên chế tổ chức Hội… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Thủ tướng giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp cùng các bộ, cơ quan liên quan, xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam theo hướng thiết thực, hiệu quả, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

HOÀNG CHUNG (Theo Báo QĐND)