Theo Từ điển tiếng Việt, kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn. Như vậy, kỹ năng tuyên truyền miệng là khả năng vận dụng các kiến thức về lĩnh vực này trong thực tiễn tuyên truyền, thuyết phục người nghe bằng lời nói trực tiếp. Đó là một loạt những kỹ năng liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện hoạt động tuyên truyền miệng. Bài viết này đề cập đến các kỹ năng cơ bản sau:
- Kỹ năng lựa chọn nội dung tuyên truyền miệng.
- Kỹ năng lựa chọn, nghiên cứu và xử lý tài liệu.
- Kỹ năng xây dựng đề cương tuyên truyền miệng.
- Kỹ năng lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ, văn phong.
- Kỹ năng điều khiển sự chú ý và trả lời câu hỏi khi thực hiện đối thoại.
I. KỸ NĂNG LỰA CHỌN NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Về nguyên tắc, tuyên truyền miệng có thể đề cập đến mọi vấn đề của đời sống xã hội: những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, an ninh- quốc phòng, đối ngoại; những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Nhưng để đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, nội dung tuyên truyền miệng cần đáp ứng tới các yêu cầu sau:
1. Phải mang đến cho người nghe những thông tin mới
Trong lý thuyết giao tiếp, người ta ví quá trình trao đổi thông tin với hình tượng hai bình thông nhau chứa tin. Mỗi một bình chứa tin là một vai giao tiếp. Quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin là quá trình mở chiếc van giữa hai bình để tin từ bình này (người nói) chảy sang bình kia (người nghe). Nếu tin của hai bình ngang nhau tức là hết điều để nói, quá trình trao đổi thông tin trên thực tế không diễn ra nữa. Để quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin diễn ra liên tục, giữa người nói và người nghe phải có độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết xung quanh nội dung đang đề cập đến. Độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết đó chính là cái mới của nội dung tuyên truyền miệng. Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các nhà báo, các cán bộ tuyên truyền rằng nếu không có gì để nói, để viết thì chớ nói, chớ viết.
Cái mới của nội dung tuyên truyền tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, thuyết phục, cảm hoá họ, khẳng định những quan điểm cần tuyên truyền và phê phán các quan điểm phản diện.
Trong tuyên truyền miệng, cái mới không chỉ được hiểu là cái chưa hề được đối tượng biết đến mà có thể là một phương pháp tiếp cận mới, một cách trình bày mới, độc đáo, một nhận định, đánh giá mới về cái đã biết. Cái mới cũng có thể là một biện pháp công tác mới được phát hiện, một kinh nghiệm mới được tích lũy, một sự kiện, hiện tượng mới vừa phát sinh, xuất hiện trong đời sống xã hội.
Để tạo ra cái mới cho nội dung tuyên truyền miệng, người cán bộ tuyên truyền cần thường xuyên tích lũy tư liệu, tài liệu để làm giàu, làm phong phú sự hiểu biết của mình; tìm tòi, sáng tạo cách trình bày tiếp cận mới đối với vấn đề; rèn luyện năng lực bình luận, đánh giá thông tin; tích cực nghiên cứu thực tế, lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng để phát hiện, nắm bắt cái mới, tổng kết các kinh nghiệm hay từ thực tiễn cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin của một loại đối tượng cụ thể
Nội dung tuyên truyền miệng do mục đích của công tác giáo dục tư tưởng và nhu cầu thoả mãn thông tin của đối tượng quy định. Nhu cầu thông tin của đối tượng lại xuất hiện do nhu cầu của hoạt động nhận thức (nghe để biết), hoặc của hoạt động thực tiễn (nghe để biết và để làm). Chính trong quá trình hoạt động thực tiễn mà ở công chúng xuất hiện nhu cầu thông tin và đòi hỏi được đáp ứng.
Hoạt động thực tiễn của công chúng lại rất đa dạng, do đó nhu cầu thông tin của từng đối tượng công chúng cũng khác nhau. Không thể chọn một nội dung để nói cho các đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền miệng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng, một nhóm người nghe cụ thể, xác định. Cho nên, phân loại đối tượng, nắm vững mục đích công tác giáo dục tư tưởng và nhu cầu thông tin, sự hứng thú của từng đối tượng đối với nội dung thông tin, kích thích và đáp ứng nhu cầu ấy vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của công tác tuyên truyền miệng.
Trong trường hợp ở công chúng chưa xuất hiện nhu cầu thông tin về một vấn đề quan trọng nào đó, nhưng vấn đề đó lại được đặt ra do yêu cầu giáo dục tư tưởng thì cần chủ động hướng dẫn, khêu gợi, kích thích sự quan tâm ở họ. Chỉ khi nào ở người nghe xuất hiện nhu cầu thông tin và đòi hỏi được đáp ứng thì khi đó ở họ mới xuất hiện tâm thế, thái độ chủ động sẵn sàng tiếp nhận, chủ động nhằm thoả mãn nhu cầu đó (tìm tài liệu để đọc, đến hội trường nghe nói chuyện và chú ý lắng nghe...).
3. Phải mang tính thời sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống
Giá trị và sức lôi cuốn người nghe, ý nghĩa giáo dục tư tưởng và chỉ đạo hành động của nội dung tuyên truyền miệng được nâng lên rõ rệt khi chọn đúng thời điểm đưa tin, thời điểm tổ chức buổi nói chuyện. Nếu buổi nói chuyện được tổ chức đúng thời điểm thì sức thu hút của nó đối với người nghe càng lớn, vì đó là một điều kiện giúp con người hành động có hiệu quả. Nếu triển khai kế hoạch tuyên truyền chậm, thông tin thiếu tính thời sự thì hiệu quả tác động kém, sức hấp dẫn bị hạn chế.
Để đáp ứng yêu cầu này, một mặt cần nắm vững chương trình, kế hoạch tuyên truyền của cấp uỷ hoặc cấp trên đề ra; mặt khác, bằng bản lĩnh chính trị, sự nhạy cảm và tính năng động nghề nghiệp, cán bộ tuyên truyền có thể chọn một trong số những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách nhất, những sự kiện có tiếng vang lớn, đang diễn ra và đang kích thích sự quan tâm của đông đảo quần chúng làm chủ đề cho nội dung tuyên truyền. Những vấn đề và sự kiện như vậy thường có sức mạnh thông tin, cổ vũ cao, tác động sâu sắc đến ý thức và hành vi của con người.
Hướng vào phản ánh những vấn đề bức xúc trong phong trào cách mạng của quần chúng, các điển hình tiên tiến trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; phát hiện, giải đáp kịp thời có sức thuyết phục những vấn đề do thực tiễn cuộc sống sinh động đang đặt ra là một trong những cách thức nâng cao tính cấp thiết, tính thời sự của nội dung tuyên truyền miệng.
4. Phải đảm bảo tính tư tưởng và tính chiến đấu
Bài nói của cán bộ tuyên truyền có mục đích tư tưởng rất rõ rệt. Mục đích tư tưởng này do chức năng của công tác tuyên truyền đặt ra và là đặc trưng cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp của cán bộ tuyên truyền. Khi nói trước công chúng, cán bộ tuyên truyền thực hiện chức năng của nhà tư tưởng bằng công cụ lời nói, bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nội dung tuyên truyền miệng dù về đề tài gì, trước đối tượng công chúng nào cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng nhằm hình thành niềm tin và cổ vũ tính tích cực của con người. Cho nên, nội dung tuyên truyền miệng không chỉ đạt tới yêu cầu cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, hấp dẫn, mà quan trọng hơn là đạt tới yêu cầu định hướng thông tin. Nội dung tuyên truyền miệng không chỉ nhằm cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về những sự kiện quan trọng trong nước và trên thế giới mà quan trọng hơn là qua thông tin đó định hướng nhận thức, giáo dục tư tưởng, quán triệt quan điểm và hướng dẫn hành động của quần chúng.
Tính tư tưởng, tính chiến đấu đòi hỏi cán bộ tuyên truyền khi thông tin về những quan điểm khác nhau phải có chính kiến rõ ràng, phân tính theo lập trường, quan điểm của Đảng; khi nêu các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, các tư tưởng xa lạ, đối lập phải tỏ rõ thái độ phê phán kiên quyết, triệt để, tránh gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm lòng tin của công chúng bởi cái gọi là "thông tin nhiều chiều” thiếu cơ sở khoa học.
Căn cứ vào kế hoạch đề tài tuyên truyền của cấp uỷ, những đặc trưng trên, thực tế tình hình tư tưởng xã hội, đặc điểm đối tượng, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần lựa chọn nội dung tuyên truyền miệng cho phù hợp.
II. KỸ NĂNG LỰA CHỌN, NGHIÊN CỨU VÀ XỨ LÝ TÀI LIỆU
Lựa chọn, thu thập tài liệu là một nhiệm vụ quan trọng vì nó là cơ sở để lựa chọn nội dung tuyên truyền và là yếu tố tạo ra chất lượng cho một buổi nói chuyện.
1. Chọn nguồn tài liệu
- Nguồn tài liệu quan trọng nhất mà cán bộ tuyên truyền thường xuyên sử dụng là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Đây vừa là nội dung, vừa là cơ sở lý luận - tư tưởng của nội dung tuyên truyền. Người làm công tác tuyên truyền miệng phải có kiến thức vững chắc và hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, để trên cơ sở đó đánh giá, phân tích các sự kiện, hiện tượng.
- Các loại từ điển (Từ điển tiếng Việt, Từ điển triết học, Từ điển kinh tế…). tài liệu thống kê... là nguồn tài liệu chủ yếu để tra cứu các khái niệm, khai thác số liệu cho bài nói.
- Các sách chuyên khảo phù hợp là nguồn tài liệu rất quan trọng. Qua các tài liệu này có thể thu thập khối lượng lớn kiến thức hệ thống sâu sắc về nội dung tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền chuyên đề.
- Các báo, tạp chí chính trị - xã hội, tạp chí chuyên ngành cũng là một nguồn tài liệu. Tạp chí, cung cấp những thông tin khái quát, mang tính lý luận, nhưng tính thời sự ít hơn so với báo. Cần chú ý rằng, một. tờ báo có thể cung cấp thông tin về những sự việc, sự kiện nhiều người đã biết. Tuy nhiên, cán bộ tuyên truyền cần thông qua các sự việc, sự kiện đó để phân tích, rút ra ý nghĩa chính trị - tư tưởng nằm sâu trong cái diễn ra hàng ngày mà ai cũng biết ấy. Cho nên, cần lưu trữ báo và tạp chí, lên thư mục hoặc cắt ra những bài báo và ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của chúng.
- Sổ tay tuyên truyền, sổ tay báo cáo viên là những tài liệu hướng dẫn nội dung, nghiệp vụ tuyên truyền và một số tư liệu chung cần thiết cho cán bộ tuyên truyền rất thiết thực, bổ ích.
- Các bản tin nội bộ, đặc biệt là thông tin được cung cấp thông qua các hội nghị báo cáo viên định kỳ là nguồn thông tin trực tiếp mà dựa vào đó báo cáo viên, tuyên truyền viên xây dựng nội dung bài nói.
- Ngoài ra, có thể sử dụng các băng ghi âm, các băng hình phù hợp, các báo cáo tình hình của cơ sở, các ghi chép qua nghiên cứu thực tế, tham quan các điển hình tiên tiến, các di tích lịch sử - văn hoá...
Các tác phẩm văn học để khai thác hình tượng văn học, câu nói, câu thơ liên quan, làm nổi bật ý của bài nói chuyện.
2. Đọc và nghiên cứu tài liệu
- Đọc tài liệu : thoạt đầu nên đọc lướt qua mục lục, lời chú giải (nếu có) của từng tài liệu cũng như của tất cả các tài liệu đã thu nhận được để trên cơ sở đó hình thành quan niệm về nội dung, kết cấu bài nói. Sau đó đọc kỹ, tìm cái mới, có phân tích, suy nghĩ, lựa chọn. Có thể đọc cả tài liệu phản diện để hiểu nội dung và cách xuyên tạc của các thế lực xấu, xây dựng lập luận phê phán sát với nội dung, có hiệu quả, nâng cao tính chiến đấu của bài phát biểu.
- Ghi chép: tuỳ kinh nghiệm của mỗi người để ghi chép sao cho đạt được mục tiêu: hệ thống, dễ đọc, dễ tìm, ghi tóm tắt những điều đã đọc được, có thể ghi thêm lời bình luận ra lề, hoặc bổ sung thêm những số liệu, ý kiến nhận xét khác... khi tài liệu cô đọng hoặc trừu tượng.
Khi cần giữ lại ý kiến của tác giả một cách hoàn chỉnh có thể trích nguyên văn từng câu, từng đoạn và chú giải xuất xứ của đoạn trích (ghi rõ tên tác giả, tác phẩm, nơi xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản, số trang). Đoạn trích phải lấy từ tài liệu gốc hoặc tra cứu lại từ tài liệu gốc, không trích dẫn từ tài liệu của người khác.
Trong lúc đọc tài liệu, có thể ghi được rất nhiều, nhưng nói chung chỉ nên ghi lại những chỗ hay nhất, những khái niệm, những tư liệu chính xác, cần thiết nhất, tư liệu ruột có liên quan đến chủ đề tuyên truyền.
Có thể ghi vào sổ tay hoặc ghi trên phích. Khi ghi, nên ghi trên một mặt giấy, hoặc trang ghi chừa lề rộng, để lấy chỗ ghi thêm những vấn đề mới, thông tin mới hoặc ý kiến bình luận của mình.
Có rất nhiều phương pháp nghiên cứu tài liệu. Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào thói quen, kinh nghiệm cá nhân.
3. Một vài chú ý khi sử dụng tài liệu
- Sau khi đọc, ghi chép, tiến hành lựa chọn những tư liệu mới nhất, có giá trị nhất, dự kiến có khả năng thu hút người nghe nhất đưa vào bài phát biểu.
- Chọn và sắp xếp tư liệu theo trình tự lôgíc để hình thành đề cương.
- Chỉ sử dụng những tư liệu rõ ràng, chính xác. Không dùng những tư liệu thấy còn chưa rõ về quan điểm tư tưởng, thiếu chính xác về mặt khoa học. Cần tuân thủ nguyên tắc về chất lượng thông tin trong giao tiếp. Không nói điều mà mình chưa tin là đúng và những điều không đủ bằng chứng.
- Trước khi sử dụng bất kỳ tư liệu nào đều phải xem xét nó bằng “lăng kính” của người cán bộ tư tưởng. “Lăng kính” ở đây chính là sự nhạy cảm về tư tưởng, là bản lĩnh chính trị, là trách nhiệm người cán bộ trước đảng, trách nhiệm công dân. Không được để lộ bí mật của Nhà nước. Khi sử dụng các tài liệu mật, thông tin nội bộ cần xác định rõ vấn đề nào không được nói, hoặc chỉ được nói đến đối tượng nào. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, cần thiết phải định hướng thông tin theo quan điểm của Đảng.
Sử dụng tài liệu là một kỹ năng, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của cán bộ tuyên truyền. Cùng một lượng tài liệu như nhau, ai dày công và sáng tạo hơn sẽ có bài nói chuyện chất lượng cao hơn.
III. KỸ NĂNG XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Đề cương tuyên truyền miệng là văn bản mà dựa vào đó người tuyên truyền tiến hành buổi nói chuyện trước công chúng. Đề cương tuyên truyền cần đạt tới các yêu cầu sau:
- Phải thể hiện mục đích tuyên truyền. Đề cương là sự cụ thể hoá, quán triệt mục đích tuyên truyền trong các phần, các mục, các luận điểm, luận cứ, luận chứng.
- Phải chứa đựng, bao hàm nội dung tuyên truyền một cách lôgíc.
Cần xây dựng nhiều phương án của đề cương, từ đó chọn phương án tối ưu. Phương án tối ưu là phương án đạt mục đích tuyên truyền và phù hợp với một đối tượng công chúng cụ thể, xác định.
Quá trình xây dựng đề cương có thể thay đổi, bổ sung, hoàn thiện dần từ thấp lên cao, từ đề cương sơ bộ đến đề cương chi tiết. Đối với những vấn đề quan trọng, phát biểu trước những đối tượng có trình độ cao, đề cương được chuẩn bị với các số liệu thật chính xác, càng chi tiết càng tốt.
Tuyên truyền miệng có nhiều thể loại: bài giảng, nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề, báo cáo nhanh hoặc giới thiệu về nghị quyết của các cấp ủy đảng, kể chuyện người tốt việc tốt, gương anh hùng, chiến sĩ thi đua, diễn văn đọc trong các cuộc mít tinh. . . Mỗi thể loại trên đều có kết cấu đề cương riêng. Nhưng khái quát lại đề cương được kết cấu bởi ba phần: phần mở đầu, phần chính và phần kết luận. Mỗi phần có chức năng riêng, yêu cầu riêng, phương pháp xây dựng và thể hiện riêng
.1. Phần mở đầu
Phần mở đầu có các chức năng sau:
+ Làm phần nhập đề cho chủ đề tuyên truyền.
+ Là phương tiện giao tiếp với người nghe, nhằm kích thích sự hứng thú của người nghe với nội dung tuyên truyền.
- Yêu cầu đối với lời mở đầu:
+ Phải tự nhiên và gắn với các phần khác trong bố cục toàn bài cả về nội dung và phong cách ngôn ngữ.
+ Ngắn gọn, độc đáo và hấp dẫn đối với người nghe.
- Các cách mở đầu và cấu trúc phần mở đầu. Cách mở đầu rất đa dạng, phong phú nhưng có thể khái quát thành hai cách mở đầu chủ yếu: mở đầu trực tiếp và mở đầu gián tiếp:
Mở đầu trực tiếp là cách mở đầu bằng việc giới thiệu thẳng với người nghe vấn đề sẽ trình bày để người nghe tiếp cận ngay. Cách mở đầu này ngắn gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận và thích hợp với những bài phát biểu ngắn, với đối tượng đã tương đối quen thuộc... Mở đầu trực tiếp được cấu trúc bởi hai phần: nêu vấn đề và giới hạn phạm vi vấn đề (hay chuyển vấn đề) .
+ Nêu vấn đề là trình bày ý tưởng, quan niệm tổng quát về chủ đề tuyên truyền đề chuẩn bị cho việc trình bày phần chính tiếp theo .
+ Giới hạn phạm vi vấn đề là thông báo cho người nghe biết trong bài nói có mấy phần, bàn đến những vấn đề gì.
Mở đầu gián tiếp là cách mở đầu không đi thẳng ngay vào vấn đề mà chỉ nêu vấn đề sau khi đã dẫn ra một ý kiến khác có liên quan, gần gũi với vấn đề ấy nhằm chuẩn bị bối cảnh, dọn đường cho vấn đề xuất hiện. Cách mở đầu này dễ tạo cho bài nói sự sinh động, hấp dẫn đối với người nghe, làm cho người nghe nhanh chóng thay đổi quan điểm vốn có, chấp nhận quan điểm của người tuyên truyền.
Mở đầu gián tiếp được cấu trúc bởi ba phần: dẫn dắt vấn đề, nêu vấn đề và giới hạn phạm vi vấn đề. Tuỳ theo cách dán dắt vấn đề hay là cách chuyển từ phần dẫn dắt vấn đề sang phần nêu vấn đề mà hình thành các phương pháp mở đầu gián tiếp sau:
+ Nếu dẫn dắt vấn đề được bắt đầu từ một cái riêng để đi đến nêu vấn đề là một cái chung ta có phương pháp quy nạp.
+ Nếu dẫn dắt vấn đề bắt đầu từ một cái chung để đi đến nêu vấn đề là một cái riêng ta có phương pháp diễn dịch.
+ Nếu dẫn dắt vấn đề bằng cách lấy một ý khác tương tự để làm rõ hơn cho việc nêu vấn đề ở phần tiếp theo ta có phương pháp tương đồng.
+ Nếu dẫn dắt vấn đề bằng cách lấy một ý khác trái ngược để đối chiếu, so sánh với vấn đề sẽ nêu ra ta có phương pháp tương phản.
Trong thực tế, công tác tuyên truyền miệng, ngoài các cách mở đầu có tính “kinh điển” trên, người ta còn sự dụng hàng loạt các phương pháp mở đầu khác, tự do hơn, miễn là chúng đáp ứng được các yêu cầu như đã nêu trên.
2. Phần chính của bài nói
Đây là phần dài nhất, quan trọng nhất, quy định chất lượng của bài nói, là phần thể hiện và phát triển nội dung tuyên truyền một cách toàn diện, theo yêu cầu đặt ra. Nếu như chức năng, đặc trưng của phần mở đầu là thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ đầu thì chức năng, đặc trưng của phần chính là lôi cuốn người nghe, kích thích sự hứng thú, định hướng tư tưởng; phát triển tư duy của họ bằng chính sự phát triển phong phú của nội dung vả lôgíc của sự trình bày. Khi chuẩn bị phần chính của bài nói cần đạt tới các yêu cầu sau:
- Bố cục chặt chẽ, được trình bày, lập luận theo những quy tắc, phương pháp nhất định. Phần chính được bố cục thành các luận điểm hay các mục (mục lớn tương ứng với luận điểm cấp một, mục nhỏ tương ứng với luận điểm cấp hai). Các luận điểm phải được làm sáng tỏ bởi các luận cứ. Giữa các luận điểm hay các phần, các mục phải có đoạn chuyển tiếp làm cho bài nói có tính liên tục và giúp người nghe chủ động chuyển sang tiếp thu những luận điểm tiếp theo. Tư liệu, cứ liệu dùng để chứng minh, làm sáng tỏ luận điểm cần được sắp xếp một cách lôgíc theo phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch, phương pháp loại suy hoặc phương pháp nêu vấn đề. Mỗi luận điểm, mỗi phần, mỗi mục có thể trình bày theo một trong các phương pháp trên. Việc chọn phương pháp trình bày, sắp xếp tư liệu nào là do nội dung bài nói, đặc điểm người nghe và hoàn cảnh cụ thể của buổi tuyên truyền miệng dự định.
- Tính xác định, tính nhất quán và tính có luận chứng. Nói chung trong ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội đã hình thành những mối quan hệ lôgíc nhất định. Nếu lôgíc bài nói phù hợp với lôgíc trong tư duy, ý thức người nghe thì bài nói sẽ trở nên dễ hiểu, dễ thuyết phục. Chính vì vậy, khi thiết lập đề cương bài nói, hình thành các luận điểm, các phần, các mục phải vận dụng các quy luật lôgíc (quy luật đồng nhất, quy luật mâu thuẫn, quy luật loại trừ cái thứ ba, quy luật có lý do đầy đủ). Việc vận dụng các quy luật này trong khi lập luận. trình bày, kết cấu đề cương sẽ đảm bảo cho bài nói có tính rõ ràng, chính xác (tính xác định), tính nhất quán và tính có luận chứng.
- Tính tâm lý, tính sư phạm. Khi xây dựng phần chính của bài nói và trình bày, lập luận nội dung, ngoài việc vận dụng các quy luật của lôgíc hình thức cần vận dụng các quy luật của tâm lý học tuyên truyền như: quy luật hình thành và biến đổi của tâm thế, quy luật đồng hoá và tương phản của ý thức, quy luật đứng đầu trong niềm tin, quy luật về sự tác động của cái mới... Chẳng hạn, có thể vận dụng quy luật đứng đầu trong niềm tin do nhà bác học Hêvlanđơ tìm ra năm 1925 để sắp xếp thứ tự trình bày các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành tâm thế, niềm tin của đối tượng. Nội dung của quy luật này có thể tóm tắt lại là: những tác động đầu và cuối của hiện thực khách quan đến con người thường để lại những dấu ấn sâu sắc. Cho nên, khi xây dựng đề cương phần chính bài nói, các vấn đề quan trọng của nội dung, cần kết cấu phần đầu hoặc phần cuối của bài.
Đề cương phần chính còn được sắp xếp theo yêu cầu của phương pháp sư phạm: trình bày từ cái đơn giản, đã biết đến cái phức tạp, cái chưa biết và nêu bật được những luận điểm quan trọng nhất của bài.
3. Phần kết luận
Kết luận là phần không thể thiếu trong cấu trúc một bài nói, nó có các chức năng đặc trưng như: (1)Tổng kết những vấn đề đã nói;(2) Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung tuyên truyền;(3) Đặt ra trước người nghe những nhiệm vụ nhất định và kêu gọi họ đi đến hành động.
Kết luận phải ngắn gọn, giàu cảm xúc nhưng tự nhiên, không giả tạo và được sử dụng để kết thúc bài nói.
Những cách kết luận chủ yếu và cấu trúc của nó là :
Giống như mở đầu, kết luận có nhiều phương pháp khác nhau. Đó là các phương pháp: mở rộng, ứng dụng, phê phán, tương ứng.... Dù là phương pháp nào thì kết luận cũng được cấu trúc bởi hai phần:
+ Phần đầu gọi là tóm tắt hay toát yếu, tóm lược các vấn đề đã trình bày trong phần chính. Phần này giống nhau cho mọi phương pháp.
+ Phần hai là phần mở rộng và mang đặc trưng của phương pháp. Nếu phần hai mang ý nghĩa mở rộng vấn đề ta có kết luận kiểu mở rộng, nếu mang ý nghĩa phê phán ta có kết luận kiểu phê phán, nếu mang ý nghĩa vận dụng ta có kết luận kiểu ứng dụng, v.v..
Vào đề và kết luận cho buổi nói chuyện là một kỹ xảo, một thủ thuật - thủ thuật gây hấp dẫn, lôi cuốn, gây ấn tượng đối với người nghe. Việc tìm tòi các thủ thuật này là yêu cầu sáng tạo của mỗi cán bộ tuyên truyền.
IV- KỸ NĂNG LỰA CHỌN, SỬ DỤNG NGÔN NGỮ, VĂN PHONG
Ngôn ngữ là công cụ quan trọng đảm bảo cho cán bộ tuyên truyền thực hiện mục đích của hoạt động tuyên truyền miệng. Bằng ngôn ngữ, cán bộ tuyên truyền chuyển tải thông tin, thúc đẩy sự chú ý và sự suy nghĩ của người nghe, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nhận thức của đối tượng và cổ vũ họ đi tới những hành động tích cực. Ngôn ngữ tuyên truyền miệng có các đặc trưng sau:
1. Tính hội thoại
Tuyên truyền miệng có đặc trưng là sự giao tiếp trực tiếp giữa người nói và người nghe thể hiện cả trong độc thoại và đối thoại. Cho nên, một đặc điểm văn phong quan trọng của tuyên truyền miệng là tính hội thoại, tính sinh động, phong phú của lời nói. Những biểu hiện của tính hội thoại là sử dụng từ vựng và câu cú hội thoại, sự đơn giản của cấu trúc câu và không tuân theo những quy tắc ngữ pháp nghiêm ngặt như văn viết…
Biểu hiện đầu tiên của tính hội thoại trong văn phong tuyên truyền miệng là việc sử dụng câu ngắn, câu không phức tạp (câu đơn). Do đặc điểm tâm, sinh lý của việc tri giác thông tin bằng thính giác, một mệnh đề càng dài thì càng khó ghi nhớ. Sử dụng câu ngắn, câu đơn sẽ làm cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu vấn đề và không ảnh hưởng đến việc thở lấy hơi của người nói.
Ngoài ra, việc sử dụng câu ngắn, câu nhiều mệnh đề kế tiếp nhau có thể trở thành phương tiện văn phong làm cho bài nói sôi nổi, có kịch tính, trên cơ sở đó thu hút sự chú ý của người nghe.
Khi đặt câu, những thông tin quan trọng không nên đặt ở đầu câu và cuối câu. Do đặc điểm của sự chú ý, nếu đặt những thông tin quan trọng ngay ở đầu câu, thì khi bắt đầu nói người nghe có thể chưa chú ý, thông tin bị thất lạc, cho nên chỉ đưa thông tin vào câu sau 3 – 4 từ đầu tiên. Cũng không nên đặt thông tin quan trọng ở cuối câu vì nghe đến cuối câu, thính giả có thể đã giảm thiểu sự chú ý, thông tin cũng có thế bị thất lạc. Cũng do điều này mà khi đặt câu, không bắt đầu bằng một mệnh đề phụ quá dài.
- Sử dụng cấu trúc liên kết. Nhờ việc sử dụng cấu trúc này mà diễn giả có thể làm nổi bật, nhấn mạnh một vấn đề nào đó, thực hiện sự ngắt hơi hoặc xuống giọng để tạo ra cảm giác thoải mái, ngẫu hứng. Sự liên kết thường được sử dụng với liên từ: “và”, “còn”, “nhưng”, “song”, “hơn nữa”, . . . và các trợ từ: “mặc dù”, “chẳng lẽ”, “thậm chí”, “thật vậy”,...
- Một biểu hiện khá rõ của tính hội thoại trong ngôn ngữ tuyên truyền miệng là khi trình bày có sự dịch chuyển của các đại từ nhân xưng từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai. Việc sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai làm cho người nói và người nghe dường như đứng về cùng một phía, dễ tạo ra sự đồng cảm trong tuyên truyền.
2. Tính chính xác
Tính chính xác của ngôn ngữ là sự phù hợp giữa tư tưởng muốn trình bày và từ ngữ, thuật ngữ được chọn để diễn đạt tư tưởng đó. Tính chính xác đảm bảo cho lời nói truyền đạt chính xác nội dung khách quan của vấn đề, sự việc, sự kiện được đề cập trong bài phát biểu. Tính chính xác của lời nói trong tuyên truyền miệng bao gồm:
- Sự chính xác về phát âm (không phát âm sai, lẫn lộn giữa l và n, giữa ch và tr, giữa r và gi. . .) .
- Sự chính xác về từ, các từ được dùng phải rõ nghĩa, đơn nghĩa, tránh dùng từ đa nghĩa, diễn đạt mập mờ, nước đôi, không rõ ràng.
- Sự chính xác về câu bao hàm cả sự chính xác về ngữ pháp (đặt câu đúng) và chính xác về ngữ nghĩa, tránh đặt những câu tối nghĩa.
- Sự chính xác của lời nói còn được biểu hiện ở việc chọn từ ngữ phù hợp với đề tài, với trình độ người nghe và bối cảnh giao tiếp.
3. Tính phổ thông
Tính phổ thông của lời nói trong tuyên truyền miệng thể hiện ở việc chọn từ, cách diễn đạt rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ chung, phổ biến của mọi đối tượng công chúng, là biết ‘’phiên dịch’’ ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ chuyên gia sang ngôn ngữ của công chúng rộng rãi. Tính phổ thông của lời nói đảm bảo cho thính giả hiểu được, tiếp thu được nhũng vấn đề phức tạp, thu hút người nghe hướng vào tiếp nhận những tư tưởng mới của người tuyên truyền.
Tính phổ thông, sự đơn giản, dễ hiểu của lời nói, của cách trình bày không có nghĩa là dung tục hoá các khái niệm khoa học: là làm nghèo nàn nội dung bài nói. Sự đơn giản của diễn ngôn, sự dễ hiểu của cách trình bày và sự phong phú, tính khoa học của nội dung không mâu thuẫn với nhau. Trong vấn đề này, việc cụ thể hoá các khái niệm trừu tượng, việc lấy các thí dụ minh hoạ, sử dụng đoạn miêu tả, sử dụng phương pháp tương đồng rất có hiệu quả.
Tính phổ thông của lời nói đòi hỏi cán bộ tuyên truyền hạn chế việc sử dụng các thổ ngữ, từ địa phương, các thuật ngữ có tính nghề nghiệp, chuyên dụng. Không lạm dụng từ nước ngoài, mặc dù sự hiện diện của một số từ nước ngoài trong ngôn ngữ của một dân tộc là một thực tế khách quan, do những quy luật của quá trình phát triển ngôn ngữ và giao lưu văn hoá. Trong những điều kiện cần thiết chúng ta có thể sử dụng các từ nước ngoài, nhất là các từ Hán - Việt, để biểu đạt chính xác nội dung tư tưởng, nhưng không lạm dụng và tốt nhất vẫn là chọn dùng những từ có trong vốn từ vựng của người nghe. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, vốn gần gũi với đông đảo nhân dân để trình bày, diễn đạt, giải thích các khái niệm mới, trừu tượng cũng là cách phổ thông hoá lời nói của bài phát biểu.
4. Tính truyền cảm
Tính truyền cảm là đặc trưng riêng có của ngôn ngữ nói. Việc khai thác, tận dụng đặc trưng này sẽ đem lại thành công cho bài nói. Một bài nói có chất lượng là bài nói vận dụng tốt các phương tiện lôgíc và phương tiện cảm xúc – thẩm mỹ. Nhờ yếu tố truyền cảm của lời nói mà người nghe bỏ qua những thông tin nhiễu khác như tiếng ồn, các tác động của môi trường, sự nóng nực, tập trung chú ý để tiếp thu những tri thức mới, tích cực chủ động nâng cao nhận thức của mình về những điều tưởng như đã biết, thích thú trong việc tiếp nhận thông tin.
Để tạo ra tính truyền cảm cho bài nói: có thể sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm: các ẩn dụ, so sánh, các từ láy, điệp ngữ . .. và các biện pháp tu từ cú pháp: câu ẩn chủ ngữ câu hỏi tu từ, câu đối chọi, câu có bổ ngữ đứng ở trước, câu đảo đối, câu có thành phần giải thích... Đồng thời có thể sử dụng các yếu tố cận ngôn ngữ như ngữ điệu, trường độ, cao độ của tiếng nói, sự ngừng giọng… và kết hợp chúng với các yếu tố phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…
V. KỸ NĂNG ĐIỀU KHIỂN, QUẢN LÝ SỰ CHÚ Ý VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI TRONG ĐỐI THOẠI
1. Một số Kỹ năng tạo lập sự chú ý khi bắt đầu phát biểu
Tạo lập, thu hút sự chú ý ngay từ phút đầu gặp gỡ, từ câu nói đầu tiên rất quan trọng đối với một buổi tuyên truyền miệng. Vì vậy, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng cần đặc biệt lưu ý và có thể sử dụng một vài kỹ năng sau để thu hút sự chú ý khi bắt đầu bài nói:
Bắt đầu bài nói bằng cách tạo tình huống bất ngờ.
Thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra yếu tố bất ngờ, bất định trong nội dung, cách trình bày rất hay được người viết, người nói sử dụng. Bởi vì, sự bất định, bất thường, không bình thường là tác nhân quan trọng kích thích sự chú ý không chủ định của người nghe, người đọc.Ví dụ, khi mở đầu truyện ngắn “Đồng hào có ma”, Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết như sau: “Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta phải ăn uống sạch sẽ nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy là sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo khỏe đều là những anh thích ăn bẩn cả.” Với cách viết độc đáo như trên, Nhà văn đã khơi gợi ở người đọc sự tò mò, thích thú, muốn được giải thích vì sao “bao nhiêu những anh béo khỏe đều là những anh thích ăn bẩn cả”. Chính điều đó thu hút và khiến người đọc kiên trì đọc đến cùng tác phẩm này. Tất nhiên, trong phần tiếp theo của tác phẩm, tác giả truyện ngắn đã mô tả tên Hinh béo tốt như thế nào và hắn “ăn bẩn” của đồng bào nghèo khổ ra sao.
Bắt đầu bài nói bằng một điệu bộ đặc biệt.
Một số nhà hùng biện biệt tài đã sử dụng nhiều điệu bộ, cử chỉ đặc biệt để bắt đầu bài nói nhằm kích thích sự chú ý của người nghe. Chẳng han, có người lên diễn đàn đứng im nhìn thính giả một lúc lâu rồi mới bắt đầu nói. Cũng có người làm một hoặc một số cử động kỳ dị nào đó khiến cho thính giả xì xào, ngạc nhiên. Sau đó dựa vào chính cử động ấy, hành vi ấy mà nhắc đến, liên tưởng đến những sự kiện, những biến cố nào đó để trình bày, diễn đạt vấn đề. Ví dụ, khi nói chuyện về đề tài “Tuổi trẻ và hôn nhân” cho đối tượng là giới trẻ, một diễn giả dùng một đồng xu, để nó giữa lòng bàn tay, rồi tung lên, tung xuống 6-7 lần. Thính giả trẻ tuổi rất ngạc nhiên vì hành vi lạ đó. Họ nhìn chằm chằm vào diễn giả, hồi hộp, chờ đợi. Bỗng nhiên, diễn giả tung tiếp đồng xu lên cao rồi để nó rơi xuống mặt bàn và nói to: “Trúng mé có hình và tôi quyết định”. Nghe nói vậy, cả hội trường im lặng, nín thở, ngạc nhiên, hồi hộp. Diễn giả nói tiếp: “Thưa quí bạn! Nếu tôi quyết định chọn người bạn gái làm bạn trăm năm mà không căn cứ vào điều gì hết, chỉ để thần may rủi quyết định như tung đồng xu vừa rồi, thì quý bạn nghĩ sao về lối lập gia đình của tôi”.
Nhờ điệu bộ đặc biệt này, diễn giả đã tạo ra sự tò mò, hiếu kỳ, sự chú ý không chủ định ở người nghe. Nó tạo điều kiện thuận lợi để tiếp đó, diễn giả trình bày các vấn đề thuộc về tuổi trẻ, tình yêu và hôn nhân của họ.[1]
Ngoài ra, có nhà nghiên cứu cho rằng, có thể sử dụng các kỹ năng như: Bắt đầu bằng hiện tượng mới lạ hoặc đang tranh luận mà chưa đi đến ngã ngũ; Bắt đầu bằng một sự kiện mà mọi người đều quan tâm; Bắt đầu bằng mẩu chuyện nhỏ mang tính chất cá nhân (ví dụ, “Tôi vừa mới ở thành phố X về được chúng kiến một hiện tượng... ”); Bắt đầu xưng hô với cường độ không bình thường (cường độ cao là phổ biến). [2]
2. Một số kỹ năng thu hút và duy trì sự chú ý ở người nghe trong quá trình tiến hành tuyên truyền miệng
Một bài phát biểu có khả năng thu hút sự chú ý của người nghe là bài phát biểu có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo lôgic chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm. Trong quá trình trình bày, người nói có thể sử dụng các kỹ năng sau để thu hút và duy trì sự chú ý ở người nghe:
Một là, tăng hàm lượng thông tin bằng cách lược bỏ lượng dư thừa của ngôn ngữ diễn đạt.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân đến nghe báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền nói chuyện bao giờ cũng mang theo mong muốn được nghe nhiều nhất những thông tin mới trong một buổi nói chuyện. Hàm lượng thông tin cao trong một bài nói, một giờ nói chuyện là chất men kích thích người nghe hưng phấn, là chất keo dính kết giữ thính giả ngồi lại hội trường nghe đến cùng mặc dù công việc bận rộn, là động lực để cán bộ, đảng viên và người dân mong muốn được nghe báo cáo viên đến nói lần sau… Để lượng thông tin cao lên trong một đơn vị ngôn ngữ diễn đạt hay một đơn vị thời gian của một buổi nói chuyện, người nói hoặc phải “nén” vào bài nói nhiều thông tin mới hơn hoặc phải lược bớt những từ ngữ, những câu văn không chứa đựng nội dung thông tin mà trong lý thuyết thông tin người ta gọi chúng là “lượng dư thừa”. Có nhà nghiên cứu gọi cách lược bỏ “lượng dư thừa” bằng cụm từ “vắt bớt nước lã trong một câu nói”. Rõ ràng, để bài nói nhiều thông tin, trở nên hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người nghe, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng cần học cách nói “ngôn thiểu, ý túc”, tức là cách nói hàm súc, ngắn gọn, ít từ, nhưng ý tứ phong phú, nhiều nghĩa.
Hai là, tăng sức hấp dẫn của thông tin bằng cách trình bày độc đáo, khác biệt, mới lạ.
Một bài nói, với cùng một nội dung thông tin, nhưng người nói biết sử dụng cách tiếp cận, trình bày mới lạ, cách đặt câu, sử dụng từ độc đáo, khác biệt, ít người hoặc chưa ai dùng thì rất có khả năng tạo ra sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý, hứng khởi của người nghe. Để tạo ra cái độc đáo cho sự trình bày, người nói có thể sử dụng cách nói so sánh, hình tượng; dùng từ “đắc địa”; đặt câu văn hay, sử dụng sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn… Chính vì vậy, một báo cáo viên, một cán bộ tuyên truyền miệng có kinh nghiệm thường tích lũy cho mình những châm ngôn, danh ngôn, những thành ngữ, tục ngữ, những câu văn hay, độc đáo, hiếm gặp và suy nghĩ về cách sử dụng sáng tạo chúng trong một ngữ cảnh cụ thể.
Ba là, nêu dồn dập các sự kiện.
Mục đích của việc nêu dồn dập các sự kiện là tạo ra nhịp điệu cho bài nói, tạo nên cao trào của lời văn, tạo không khí hào hứng cho bài phát biểu, qua đó thu hút sự chú ý, tạo được ấn tượng ở người nghe.
Ví dụ, “Ngày 15/03/2010, một toa tàu của HSD4 văng ra khỏi đường sắt sau cú phanh gấp của tài xế.
Sau đó hai tuần, tại Vĩnh Linh, tàu hàng F12 chở lương thực bị lật khiến 5 toa tàu rời khỏi đường sắt xuống ruộng.
Ngày 17/10/2011, một đoàn tàu chở xăng dầu lật ngay trong sân ga Phủ Đức, Việt Trì.
Ngày 28/03/2011, một toa chở container lật ngay trong sân ga Đà Nẵng. Ngày 14/10 năm đó, một đầu tàu xe lửa bị trật bánh khỏi đường ray tại Thanh Trì, Hà Nội”.
Cách nêu dồn dập các tai nạn tàu hỏa xảy ra trong 2 năm 2010 và 2011 làm cho vấn đề an toàn chạy tàu và việc đầu tư cho giao thông đường sắt trở thành một vấn đề bức thiết của ngành giao thông vận tải hiện nay, do đó sự kiện thu hút được sự quan tâm của người nghe, của dư luận.
Bốn là, nắm vững kĩ năng sử dụng con số, số liệu thực tế.
Dùng con số, số liệu thực tế trong tuyên truyền miệng mang các ý nghĩa quan trọng sau:
- Con số, số liệu thực tế có thể chứng minh cho một luận điểm, một quan điểm, một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này con số, số liệu thực tế có tác dụng như một luận cứ.
- Con số, số liệu thực tế làm tăng tính thực tiễn cho bài phát biểu, có tác dụng to lớn trong việc thuyết phục người nghe tin vào chủ đề tuyên truyền.
- Số liệu thực tế làm cho các vấn đề lý luận và đường lối, chính sách trở nên có sức sống, gắn với đời sống xã hội và mang tính cụ thể, thiết thực.
Con số, số liệu thực tế thường được sử dụng trong các bài giảng lý luận chính trị; bài giới thiệu, quán triệt nghị quyết của Đảng; các bài thông tin thời sự về tình hình trong nước, quốc tế, bài nói về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng, quý, năm…
Sử dụng số liệu thực tế, con số sao cho người nghe dễ hiểu, không choáng ngợp bởi hàng dãy biểu bảng, hàng trang con số dài dòng là điều rất khó. Có nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng sao cho con số, số liệu thực tế mang nhiều ý nghĩa tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người nghe mới là vấn đề quan trọng nhất, chứ không phải là việc đưa ra nhiều con số. Với ý nghĩa đó, có thể khuyến nghị một số kỹ năng sử dụng con số như:(1) Làm tròn số cho dễ nhớ, dễ trình bày; (2) Đổi con số thành hình ảnh để người nghe có thể hình dung dễ dàng; (3)Sử dụng quy tắc tác động tâm lý để làm cho một con số lớn nhưng nghe xong người ta cảm nhận nó là nhỏ, hoặc ngược lại một số nhỏ nhưng người nghe lại có cảm giác lớn;(4) Tìm ra trong dãy số các con số ấn tượng nhất mà thường là các con số lớn nhất, nhỏ nhất và so sánh chúng với những con số khác để làm tăng ý nghĩa kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội của chúng.
Năm là, phát biểu theo kiểu “ngẫu hứng tự do”, thoát ly đề cương.
“Ngẫu hứng, tự do” là thuật ngữ dùng để chỉ những bài nói chuyện mà người nói do nắm vững vấn đề, có cảm xúc, “nhập tâm” chủ đề nên khi trình bày người nói sử dụng, vận dụng kiến thức một cách tự do nhất, linh hoạt nhất, sáng tạo nhất nhưng vẫn trong khuôn khổ của một đề cương logic được người nói nhớ rất kỹ. Trình bày bài nói theo kiểu “ngẫu hứng tự do” khiến người nói dễ say sưa, nhập cuộc, “lên đồng”, truyền cảm hứng và vì vậy dễ lan tỏa cảm xúc đến người nghe, tạo ra sức bền cho sự chú ý ở thính giả.
Ngẫu hứng tự do hiểu như vậy không phải là muốn nói gì thì nói, mà là cách nói thoát ly giáo án, thoát ly đề cương, không lệ thuộc vào câu chữ của đề cương, là cách trình bày nội dung của đề cương đã chuẩn bị bằng vốn kiến thức phong phú, sâu sắc, vốn ngôn ngữ đa dạng và khả năng vận dụng ngôn ngữ sáng tạo. Bởi vậy, muốn phát biểu thoát ly đề cương, người nói phải: (1) Có trí nhớ tốt đề nhớ đề cương; (2) Có kiến thức phong phú, hiểu thực chất, nhuần nhuyễn vấn đề để có thể thoát ly giáo án, thoát ly đề cương mà vẫn nói đúng, phát ngôn chuẩn mực; (3) Có khả năng huy động kiến thức trong trí nhớ theo logic của vấn đề; (4) Vốn ngôn ngữ phong phú, khả năng vận dụng ngôn ngữ tốt, nhiều sáng tạo và (5) Giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nội dung bài nói.
Sáu là, trình bày vấn đề một cách cụ thể, hình tượng hóa, cụ thể hóa sự vật, hiện tượng, vấn đề.
Việc hình tượng hóa hoặc cụ thể hóa sự vật, hiện tượng, vấn đề được đề cập trong bài nói sẽ làm cho người nghe dễ hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, vấn đề. Điều này rất quan trọng đối với những bài giảng lý luận chính trị (triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học), bài giới thiệu đường lối, chính sách, nghị quyết đảng. Bởi vì, loại hình bài nói này có tính lý luận, tính khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao. Nếu người nói không biết cụ thể hóa các khái niệm, phạm trù, quy luật, luận điểm lý luận bằng các ví dụ cụ thể, sinh động, thì bài nói trở nên giáo điều, khô khan, khó hiểu, khó tiếp thu, xa rời thực tiễn. Chẳng hạn, tại một kì họp của Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) đã phát biểu: “Có đại biểu trong thảo luận ở Quốc hội đã phải thốt lên “Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim”. Mời gọi nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh. Các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới.”[3]
Rõ ràng, hình tượng “Trên rải thảm, dưới rải đinh” hoặc “Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim” đã phản ánh sâu sắc, thâm thúy, lột tả đúng thực chất và rất cụ thể, dễ hiểu một thực trạng đau lòng đang diễn ra trong việc thực hiện chủ trương tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh để phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Rằng những chủ trương, chính sách tốt đẹp thông thoáng của Đảng, Nhà nước nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang bị những tiêu cực xã hội, những thủ tục phiền hà, những rào cản trong khâu thực hiện làm vô hiệu hóa.
3. Một số kỹ năng khôi phục và tăng cường sự chú ý
Trong quá trình trình bày, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như nóng bức, tiếng ồn bên ngoài hội trường, nghe lâu, nghe nhiều những vấn đề trừu tượng, phức tạp…, sự chú ý của người nghe có thể bị giảm, thậm chí bị mất đi. Trong trường hợp đó, người nói phải biết phát hiện nhờ việc quan sát thái độ và hành vi của người nghe và chủ động tìm cách khắc phục. Dựa trên những quy luật tâm - sinh lý, có thể nêu một số kỹ năng, thủ thuật mà báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng có thể áp dụng để khôi phục, tái lập trở lại và tăng cường hơn nữa sự chú ý:
- Cử chỉ và vận động và sự kết hợp chúng với các thủ thuật khác.
Về cử chỉ, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền có thể sử sử dụng một động tác bất ngờ nào đó như chém tay hoặc thể hiện một trạng thái tình cảm trên nét mặt, trong nụ cười…Về sự vận động, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thể rời bục giảng tiến gần về phía người nghe hoặc đi vào giữa hội trường tiếp tục nói. Sự vận động về vị trí như thế có tác dụng tạo ra sự gần gũi, đồng cảm xúc nên rất có tác dụng trong việc tái lập sự chú ý.
- Thủ thuật âm thanh: Người nói có thể nói to lên hoặc ngược lại nói nhỏ đi gần như nói thầm. Cách nói to để tái lập sự chú ý ở người nghe là sự vận dụng qui luật tâm – sinh lý sau: con người chỉ chịu tác động của những kích thích âm thanh nào trội hơn so với những kích thích âm thanh khác. Ngoài ra, việc giảm âm lượng, nói nhỏ đi hoặc nói chậm lại theo kiểu sắp chữ thưa hay sử dụng thủ thuật ngừng giọng cũng có tác dụng nhất định trong việc tái lập sự chú ý.
- Sử dụng các phương tiện trực quan và kết hợp các phương tiện đó với phương tiện ngôn ngữ.
Sử dụng phương tiện trực quan rất có tác dụng trong việc tạo lập sự hứng thú ở người nghe, đặc biệt là khả năng khôi phục, tái lập sự chú ý của nó. Bởi vì, khi báo cáo viên thuyết trình bằng ngôn ngữ nói, người nghe tri giác thông tin bằng thính giác. Còn khi báo cáo viên sử dụng phương tiện trực quan thì người nghe tri giác thông tin băng thị giác, cảm giác hoặc khứu giác, vị giác. Kênh tri giác thông tin được thay đổi, có nghĩa là món ăn được thay đổi, theo đó người nghe sẽ không bị chán bởi một món ăn quá dư thừa, mà bữa ăn nào cũng được dọn ra trên mâm, không bị nhàm bởi cách thuyết trình bằng lời trong khoảng thời gian dài, liên tục. Ngoài ra, sử dụng phương tiện trực quan rất có ý nghĩa trong việc tác động để đối tượng nhanh chóng thay đổi quan điểm và hành vi. Dân gian Việt Nam có câu “Trăm nghe không bằng một thấy” là với ý nghĩa như trên. Phương tiện trực quan thường được sử dụng trong tuyên truyền miệng là: bảng viết, bảng lật, giấy khổ to; máy chiếu đa năng, video clip; sơ đồ, bản đồ, biểu bảng; hiện vật, mẫu vật, sa bàn, tranh ảnh, đồ họa…
- Thay đổi trạng thái giao tiếp từ độc thoại sang đối thoại bằng cách đặt câu hỏi, phỏng vấn hoặc chuyển sang sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, làm việc theo nhóm nhỏ.
Đổi mới công tác tuyên truyền miệng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền sử dụng ngày càng nhiều hơn, nhuần nhuyễn và sáng tạo hơn các phương pháp đối thoại, các phương pháp mang tính dân chủ, phương pháp tích cực, kích thích tư duy độc lập, sáng tạo ở người nghe. Việc sử dụng quá nhiều, quá lâu các phương pháp độc thoại trong một buổi nói chuyện có thể là một trong những nguyên nhân chính làm cho người nghe giảm thiểu sự chú ý. Vì vậy, bằng óc quan sát sư phạm, nếu báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền miệng phát hiện ra đối tượng người nghe đang bị phân tán tư tưởng, thờ ơ, giảm thiểu sức chú ý thì có thể đổi mới, thay đổi nội dung trình bày đồng thời với việc lựa chọn kỹ năng này. Khi người nghe được lôi cuốn tham gia tích cực vào bài nói, nhất là những bài giảng, báo cáo chuyên đề chuyên sâu, tức là báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền đã đánh thức, tái lập sự chú ý đã bị mất đi trước đó. Kỹ năng này đặc biệt hiệu quả đối với đối tượng trẻ tuổi – những người luôn thích sự chủ động, sự đổi mới và mong muốn cháy bỏng được thể hiện mình.
- Sử dụng yếu tố hài.
Yếu tố hài hước rất hay được các nhà hùng biện, người diễn thuyết sử dụng để giải tỏa sự căng thẳng, giúp người nghe thư giãn, kích thích sự hưng phấn nghe khi bài nói đề cập đến những vấn đề phức tạp, trừu tượng, khó hiểu, được trình bày, phân tích trong thời gian dài. Kỹ năng hài hước, trong nghệ thuật diễn thuyết, được chọn sử dụng cả khi bắt đầu và kết thúc bài nói và cả trong quá trình diễn thuyết. Kỹ năng hài hước được sử dụng rất hiệu quả để tái lập sự chú ý của người nghe.
Vận dụng kỹ năng này, cán bộ tuyên truyền, báo cáo viên có thể kể các truyện cười dân gian hoặc hiện đại có sẵn mà mình tích lũy được, hoặc chuyển sang cách nói hài hước nếu cảm thấy có khả năng, hoặc sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ mà người ta hay dùng trong xây dựng các câu chuyện cười như: chơi chữ, nói lái, nói tước bỏ ngữ cảnh, nói thiếu, nói hàm ngôn…
Ngoài các câu chuyện cười mà mỗi báo cáo viên cần thường xuyên chọn lọc, tích lũy và suy nghĩ về ngữ cảnh sử dụng, có thể tích lũy và chọn ngữ cảnh sử dụng những truyện cổ tích, truyện dân gian để “mượn xưa nói nay”, làm cho buổi nói chuyện thêm sâu sắc, nhẹ nhàng.
4. Kỹ năng trả lời câu hỏi khi thực hiện đối thoại
Trong tuyên truyền miệng chúng ta không chỉ thực hiện các phương pháp độc thoại, mà còn thực hiện các phương pháp đối thoại như toạ đàm trao đổi, thảo luận, hỏi - đáp. Trong các phương pháp đối thoại thì hỏi - đáp (người nghe hỏi và cán bộ tuyên truyền trả lời) là phương pháp được sử dụng nhiều hơn cả. Do đó, việc trả lời các câu hỏi của người nghe là công việc bình thường của cán bộ tuyên truyền, nhất là trong điều kiện dân chủ hoá và tăng cường các phương pháp đối thoại với quần chúng. Cán bộ tuyên truyền cần thiết phải trả lời câu hỏi của quần chúng và tạo điều kiện, giành thời gian trong mỗi lần nói chuyện để họ được hỏi về những vấn đề mà họ quan tâm nhưng chưa được giải thích hoặc giải thích chưa rõ. Quá trình trả lời câu hỏi của người nghe cần chú ý một số đặc điểm sau:
- Quan hệ giao tiếp thay đổi từ độc thoại (nói một mình) sang đối thoại (trao đổi giữa hai hay nhiều người với nhau), hơn nữa, người tuyên truyền đang đối thoại không phải với một người mà là đại diện của cả tập thể người nghe do đó phải tuyệt đối tôn trọng và chú ý lắng nghe ý kiến của người hỏi.
- Có nhiều câu hỏi khó, bất ngờ nhưng yêu cầu phải trả lời ngay. Nếu trả lời đúng, chính xác, đáp ứng nhu cầu của công chúng thì rất tốt, uy tín của cán bộ tuyên truyền được đề cao; nhưng ngược lại, nếu trả lời sai, nhất là sai kiến thức cơ bản, phổ thông thì rất nguy hại. Vì vậy, nên thận trọng khi trả lời. Nếu cần, có thể đề nghị người hỏi nhắc lại câu hỏi để có thêm thời gian chuẩn bị phương án trả lời trong đầu.
- Khi trả lời, không chỉ riêng người hỏi nghe mà tất cả mọi người cùng nghe. Do đó, trả lời cũng có yêu cầu cao về nội dung, về cách lập luận, về kỹ năng và phong cách sử dụng ngôn ngữ... .
Các kỹ năng cần thiết khi trả lời câu hỏi:
- Trả lời rõ ràng, đúng, trúng, ngắn gọn yêu cầu của câu hỏi.
- Lập luận có cơ sở khoa học, có căn cứ xác đáng, trên cơ sở các quy luật lôgíc và phương pháp chứng minh, lời nói nhã nhặn, khiêm tốn, phù hợp với vị trí của mình trong quan hệ giao tiếp.
- Có thể đặt tiếp những câu hỏi gợi ý để người nghe tự trả lời câu hỏi của mình thông qua trả lời câu hỏi gợi ý của cán bộ tuyên truyền.
- Có thể trả lời ngay hoặc hẹn vào một thời điểm khác (cuối giờ, cuối buổi, hoặc sang ngày khác nếu còn tiếp tục nói chuyện) để có thêm thời gian chuẩn bị trả lời. Nếu xét thấy khó trả lời thì tìm cách nói để người hỏi thoải mái, thông cảm. Không nên trả lời những vấn đề mà thấy mình chưa nắm vững.
- Nếu người nghe đưa ra nhiều câu hỏi quá thì có thể tìm cách hạn chế bớt phạm vi vấn đề của các câu hỏi.
- Đối với một số người (cả người nước ngoài) có thái độ châm chọc, đặt những câu hỏi thiếu tế nhị, vu cáo thăm dò... thì tuỳ trường hợp mà chọn cách trả lời thích hợp.
Nếu do họ thiếu hiểu biết về vấn đề của chúng ta thì cần trả lời, giải thích về vấn đề đó, tuyên truyền để họ hiểu về chúng ta hơn.
Nếu họ hỏi với thái độ châm chọc, khiêu khích, thiếu tế nhị... thì cần lập luận để bác bỏ, đồng thời tiếp tục giải thích để họ và mọi người hiểu đúng về vấn đề. Dù thế nào thì trên diễn đàn phải giữ thái độ điềm tĩnh, có văn hoá, tuyệt đối tránh bị kích động. Thái độ bình tĩnh, lịch sự, tôn trọng tập thể sẽ được sự ủng hộ, đồng tình của số đông trong hội trường.
- Đối với những câu hỏi liên quan đến các lợi ích quốc gia, nếu không có trách nhiệm trả lời thì có thể từ chối hoặc chỉ dẫn người hỏi tìm gặp những người có trách nhiệm để nhận sự trả lời, không tự ý trả lời tuỳ tiện những vấn đề này.
Trả lời câu hỏi trong đối thoại trực tiếp là việc khó, nhưng có hiệu quả cao. Do đó, cán bộ tuyên truyền phải thường xuyên tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, vươn tới sự hiểu biết rộng, đa ngành, sâu sắc về văn hoá chung, có trình độ cao về văn hoá đối thoại.
Trên đây là những kỹ năng cơ bản nhất trong công tác tuyên truyền miệng. Ngoài những kỹ năng này, trong công tác tuyên truyền miệng còn có các kỹ năng khác, như kỹ năng nắm bắt nhanh chóng đặc điểm đối tượng, kỹ năng làm chủ lời nói trong phát biểu, các kỹ năng bắt đầu và kết thúc bài nói chuyện, kỹ năng nắm bắt thông tin phản hồi, kỹ năng thảo luận, tranh luận. . . nắm vững các kỹ năng tuyên truyền miệng và vận dụng sáng tạo những kỹ năng đó là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng.
PGS.TS. Lương Khắc Hiếu
__________________________________________________
[1] Hoàng Xuân Việt, Thuật hung biện,, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1994, tr. 180-182.
[2] Lương Khắc Hiếu, Nghệ thuật phát bieeuw miệng,, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.40-45.
[3] Phương Loan, Mời gọi đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, zing.vn,2016,
https://news.zing.vn/moi-goi-dau-tu-nhung-tren-rai-tham-duoi-rai-dinh-post638603.html