“Xem xét nơi nào quân địch có thực lực mạnh để tránh và nơi nào quân địch yếu để tiến công, như thế là xem xét tình hình hư thực của bên địch. Biết rõ được thế hư thực của địch, mới có thể bày được mưu kế tiến thoái”
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài viết giới thiệu “Binh pháp Tôn Tử” với nhan đề “Bàn về kế hư thực”, ký tên Q.Th, đăng trên Báo Cứu quốc, số 358, ra ngày 27 tháng 9 năm 1946.
Binh pháp Ngô Tôn Tử, là sách chiến lược, chiến thuật chữ Hán do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là “Tuyệt tác binh thư” hàng đầu của thế giới cổ đại. Không những rất được tôn vinh tại Trung Hoa mà kiệt tác này còn được hết mực ca ngợi ở nhiều nước. Đây được xem là một trong những binh thư kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới.
Vận dụng và phát triển sáng tạo binh pháp Tôn Tử về dụng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quyết đoán, dũng cảm, nhanh chóng khi tiến công, phải vừa nhanh vừa có mưu kế giỏi mới thắng địch. Để có sẵn cơ mưu, người chỉ huy quân sự khi tác chiến phải tính đến cả hai trường hợp thuận lợi và khó khăn, để trong bất kỳ tình thế nào cũng có sẵn mưu kế để phát huy thắng lợi hoặc hóa giải thất bại.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự là bài học vô giá đã được vận dụng sáng tạo, hiệu quả, góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam cả về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ, trong chiến đấu tiến công và chiến đấu phòng ngự… để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là nền tảng tư tưởng cơ bản để Đảng, Nhà nước, Quân đội ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam… Đặc biệt, việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn cả nước theo ý định chiến lược được thực hiện tốt, nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước, đảm bảo đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Lực lượng trên các hướng chiến lược được bố trí, điều chỉnh hợp lý. Hệ thống công trình phòng thủ được triển khai theo quy hoạch, kế hoạch thống nhất, tập trung cho địa bàn chiến lược trọng điểm. Đề án Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ đến năm 2020 và những năm tiếp theo được triển khai tích cực, góp phần hoàn chỉnh thế trận của từng địa phương, từng quân khu và cả nước. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, đảm bảo đủ sức tự giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn.