02/04/2021 14:11        

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 02/4/1949

 “…Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp những ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta sẽ quét sạch dần dần…”

 

Trích trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời ông Hoàng Phan Kính và ông Trần Lê Hữu ngày 2 tháng 4 năm 1949. Bản chất câu nói đó của Bác, chính là sự đổi mới. Đổi mới là cái vốn có của mọi vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội cũng như trong tư duy. Đổi mới là thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ đã lỗi thời, lạc hậu, bằng cách nghĩ, cách làm mới khoa học hơn, hiệu quả hơn, hợp với quy luật của sự phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, kế thừa những kinh nghiệm, nghệ thuật trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha, ông; tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nhân loại, Bác đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp, không nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không phủ định sạch trơn… với mục tiêu: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên đã và đang đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.

Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi, Đảng ta đã đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu; đó là: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Cùng với đổi mới và phát triển, phải kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tàn dư của xã hội cũ, nhất là những tập tục, nếp nghĩ, cách làm đã lạc hậu; đổi mới, phát triển, đồng thời phải biết kế thừa những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp...