“Theo đúng đường lối thì đi đến nơi, về đến chốn...”
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Đường lối chung của Đảng và Chính phủ ở nông thôn”. Năm 1957, khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta ở miền Bắc bắt đầu những bước đi đầu tiên, nên cần phải đi cho đúng, đặc biệt là ở nông thôn, phải xác định những bước đi phù hợp.
Lời nói trên của Bác có ý nghĩa rất lớn, khẳng định tầm quan trọng của đường lối cách mạng trong tập hợp, dẫn dắt quần chúng nhân dân. Đi theo đúng đường lối của Đảng thì sẽ đến thành công, sẽ phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, qua đó cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên nếu xác định sai đường lối, đi sai đường lối thì sẽ không tập hợp được quần chúng nhân dân, thậm chí dẫn đến thất bại. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta nói chung, đội ngũ cán bộ nói riêng luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng; ra sức học tập, lao động sản xuất và công tác theo nhiệm vụ, chức trách để hiện thực hóa đường lối của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao, song lời dạy “Đường lối là để mà đi. Theo đúng đường lối thì đi đến nơi, về đến chốn…” vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, là phương châm chỉ đạo, để đội ngũ cán bộ, dù ở cương vị nào cũng phải là người đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Đặc biệt, phải coi trọng tuyên truyền đúng và hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng, thì công việc sẽ suôn sẻ và đi đến thành công.