“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt"
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Mặc dù phải chỉ đạo kháng chiến nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là, cán bộ phải là mắt xích quan trọng, là dây chuyền của bộ máy, giúp cho bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Người còn nhấn mạnh, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, theo đó, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và cái gốc của cán bộ chính là đạo đức cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng không được giáo dục, không được tập hợp thành một khối thống nhất thì cách mạng cũng không đi đến thành công. Trách nhiệm của người cán bộ là người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và tập hợp quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất mới tạo ra sức mạnh tổng hợp và đưa cách mạng đến thành công. Cán bộ còn là cầu nối, là dây chuyền của bộ máy, phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thực sự là tấm gương trước quần chúng nhân dân, thực sự là công bộc của dân.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời căn dặn của Bác: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt” vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn, là tư tưởng chỉ đạo trong công tác cán bộ của Đảng ta, đồng thời là yêu cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng học tập, tu dưỡng về phẩm chất, năng lực, thực sự là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, tiêu biểu về mọi mặt, tận tâm tận lực với công việc, là tấm gương sáng trong từng đơn vị.