“Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, ngày 12/02/1965. Đây là giai đoạn ở miền Bắc đang có rất nhiều phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mà phong trào thi đua năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” là một trong số đó. Hồ Chí Minh đã dự và phát biểu nhằm định hướng cho sự phát triến của phong trào.
Trong lời dạy trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những điều kiện đảm bảo cho phong trào thi đua thắng lợi phải bao gồm hai yếu tố, đó là: đối tượng tham gia thi đua và chủ thể tổ chức phong trào thi đua. Theo đó, đối tượng tham gia thi đua là công nhân, nông dân phải có đạo đức cách mạng, có trách nhiệm cao và tinh thần làm chủ tập thể. Tức là, thi đua phải trên tinh thần vì chủ nghĩa tập thể chứ không vì chủ nghĩa cá nhân, thi đua không trở thành ganh đua mà trong thi đua phải nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, chủ thể tổ chức phong trào thi đua ngoài việc có kế hoạch chu đáo còn phải có nhiều biện pháp thiết thực và quyết tâm cao. Tóm lại, muốn hoạt động thi đua có hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, làm cho mọi người có tinh thần làm chủ tập thể, triệt để thực hành, tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm cao của cả người thi đua và người tổ chức phong trào thi đua.