Đây là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II, ngày 8/2/1955; trong giai đoạn miền Bắc nước ta mới được giải phóng và bước vào cải cách ruộng đất. Trong cải cách ruộng đất có nhiều cán bộ, đảng viên, hăng hái làm đúng đường lối của Đảng, nhưng ngược lại, cũng có nhiều người mắc khuyết điểm cho mình là thạo rồi, việc gì cũng biết, tự kiêu tự mãn, chủ quan, thiếu cảnh giác, bị giai cấp địa chủ lừa gạt.
Hồ Chí Minh muốn thông qua một sự việc cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất để chỉ ra bệnh tự kiêu, tự mãn và tác hại của nó đối với mỗi cán bộ, đảng viên và đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Đây là lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, nhất là những người cách mạng, không bao giờ được tự mãn, tự kiêu, mà cần phải khiêm tốn, cầu thị, không ngừng hăng hái, phấn đấu, học hỏi để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc.
Lời dạy của Người không chỉ là yêu cầu về đạo đức cách mạng, mà còn là phương châm chỉ đạo việc học tập đối với mỗi cán bộ, đảng viên với tinh thần, học nữa, học mãi, học mọi lúc, mọi nơi, học trong nhà trường, học trong công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu, nhất là học nhân dân. Lời dạy của Người đã góp phần khắc phục tư tưởng tự mãn, tự kiêu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự học, tự rèn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.