22/02/2023 10:18        

CHỐNG THAM NHŨNG ĐỂ XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Điều này được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh diễn ra hôm qua (20/2) tại TPHCM.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tiếp thu các ý kiến, quan điểm của đại biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc phải nhận thức rõ, sâu sắc hơn về đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo ông, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã được minh chứng trong thực tế lịch sử đấu tranh gìn giữ nền độc lập, thống nhất đất nước cũng như thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Đồng tình với các ý kiến trao đổi tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư xác định Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX rất cần thiết và có giá trị thực tiễn. “Việc thực hiện nghị quyết đã đạt được những kết quả rất quan trọng, có chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết đã đóng góp to lớn vào đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao”, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, các ý kiến trao đổi cũng đặt ra những yêu cầu mới, những nội dung mới, đề xuất những giải pháp mới để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khẳng định nguyên tắc “ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác”. Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm của mọi quyết sách; lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất đo chất lượng của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” (Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng).

Nhận thức vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc là một việc lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược, ông Võ Văn Thưởng cho rằng trong từng thời kỳ, trong từng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cần nhấn mạnh để lấy đó làm trung tâm đoàn kết toàn dân.

“Tôi nghĩ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc; phát huy tinh thần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là điểm tương đồng để tập hợp sự đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân người Việt Nam ở trong và ngoài nước”, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ.

Cùng với đó, ông Thưởng đề nghị tập trung xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng để giữ vai trò quan trọng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị xã hội của Đảng ngày càng vững mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nêu rõ, để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố

Tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực có thể có những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp. Do đó, để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn 5 quan điểm cơ bản, trong đó có quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

NGÔ TÙNG( Theo: tienphong.vn)