“… chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác”
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc, đăng trên Báo Nhân dân, số 2056, ngày 02 tháng 11 năm 1959.
Đây là thời điểm miền Bắc nước ta đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, các ngành, các cấp ra sức thi đua thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng và Chính phủ về xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ tư hữu cá nhân về ruộng đất để phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất sâu sắc trong bối cảnh toàn miền Bắc đang thực hiện hợp tác xã nông nghiệp, việc xây dựng cũng như quản lý hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, ở một bộ phận cán bộ quản lý vẫn còn tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cá nhân chủ nghĩa, chỉ muốn nhận cái tốt về mình và đẩy cái xấu, cái chưa tốt cho người khác, làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta. Lời dạy của Bác trong thời điểm này, không những chỉ ra những hạn chế, biện pháp khắc phục mà còn là lời căn dặn, nhắc nhở đối với toàn thể cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ta nói chung và quản lý hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, kịp thời chấn chỉnh những nhận thức, quan điểm lệch lạc của một số tổ chức và cá nhân trong phương thức làm ăn mới, góp phần vào xây dựng tính tập thể, tình đoàn kết toàn dân thành một khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở cho nông nghiệp miền Bắc phát triển và đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, để cho mỗi cá nhân trong tập thể “tự soi, tự sửa”, xây dựng ý thức và hành động của bản thân, mình vì mọi người, tất cả vì miền Nam ruột thịt, góp phần vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm… Học tập và làm theo lời Bác dạy, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải luôn đề cao tình đồng chí, đồng đội, biết chia sẻ khó khăn, biết trân trọng những thành quả, quyết tâm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, không mắc bệnh “thành tích”, không háo danh, phô trương, không tranh công đổ lỗi cho người khác, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.