Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Thôi đừng “ích kỷ hại nhân”, được đăng trên Báo Nhân dân, số 324, ngày 19-1-1955. Trong lúc nhân dân miền Bắc đã trải qua biết bao tổn thất, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đang ra sức khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống mới. Chính phủ luôn luôn tiếp tế, lo cho nhân dân đủ gạo để ăn. Song có bọn đầu cơ, ngày nào cũng kéo tất cả vợ chồng, cha mẹ, con cháu, anh em, người nhà đến choán hết chỗ trước cửa Mậu dịch, để tranh mua phần gạo của người khác, rồi bán lại cho những người dân ngay ở bên lề đường, với một giá đắt hơn nhiều.
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần trước công luận hành động bất nhân của những kẻ lợi dụng sơ hở của pháp luật, để thực hiện đầu cơ tích trữ gạo, buôn bán kiếm lời bất chính. Lời của Người là thông điệp khẩn yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ các cấp phải thường xuyên giáo dục, đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ những tiêu cực đó đang tồn tại ở nhiều địa phương. Lời của Người nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong công chúng, được nhân dân ta đồng tình hưởng ứng, được các cấp bộ đảng, chính quyền quán triệt, hiện thực hóa thành kế hoạch hoạt động, phát huy vai trò cán bộ bám sát cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần ngăn chặn tiêu cực, bảo đảm đầy đủ nhu cầu về gạo, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân sau chiến tranh.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách để ổn định, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Mặc dù vậy, hiệu quả quản lý xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm; giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng, nguy cơ rủi ro, mất an toàn cho con người còn cao, … là những vấn đề cấp bách đòi hỏi công tác quản lý của các cơ quan chức năng Nhà nước, địa phương phải vào cuộc kiên quyết hơn; công tác tuyên truyền đi vào thực chất hơn; công tác đấu tranh phản biện dư luận xã hội phải thiết thực, vì chất lượng cuộc sống của nhân dân lao động.