23/09/2021 10:26        

Liên kết phát triển vùng kinh tế nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa

Cầu cảng mới tại Cảng Vân Phong phục vụ hoạt động xây dựng các dự án trong khu kinh tế.

 

Đã gần 10 năm từ khi quy hoạch xây dựng được phê duyệt, vùng kinh tế nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa vẫn chưa thể hiện được vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa phối hợp xây dựng đề án “Cơ chế, chính sách liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa”, đề xuất nền tảng cơ chế, chính sách, giải pháp liên kết cụ thể.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là vùng) đến năm 2025; bao gồm ba huyện phía nam Phú Yên là Sông Hinh, Đông Hòa, Tây Hòa và hai huyện phía bắc Khánh Hòa là Vạn Ninh, Ninh Hòa; tổng diện tích tự nhiên khoảng 351.500 ha. Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ xác định đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Hạt nhân phát triển vùng hiện có Khu kinh tế (KKT) Vân Phong và KKT Nam Phú Yên đang được tập trung đầu tư xây dựng thành các KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, từng bước tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các địa phương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ cấu kinh tế khu vực bắc Khánh Hòa đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, trong đó giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm gần 23% của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, KKT Vân Phong thu hút mới 42 dự án; điều chỉnh tăng vốn 14 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 66 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách đạt hơn 25.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 28% của tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, KKT Nam Phú Yên thu hút 49 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4.606 tỷ đồng và 21.426 nghìn USD. Đến năm 2020, KKT Nam Phú Yên nộp ngân sách 140 tỷ đồng; tổng số lao động có 8.500 người. Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã có chương trình hành động về phát triển kinh tế biển, gắn với xây dựng và phát triển KKT Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn, từng bước khẳng định vị trí là một trong tám KKT ven biển trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của hai tỉnh, do điều kiện khó khăn, chưa được đầu tư đúng mức, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan các KKT chưa đồng bộ, còn chồng chéo... nên các KKT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện được vai trò động lực của các địa phương.

Thực tế cho thấy, điểm xuất phát kinh tế của các địa phương trong vùng còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, kết nối liên vùng và nội vùng chưa được đầu tư đồng bộ. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng, các ngành kinh tế chủ lực của hai tỉnh cũng na ná như nhau nhưng mỗi địa phương lại thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cho riêng mình mà chưa liên kết chặt chẽ để biến lợi thế so sánh của khu vực thành lợi thế cạnh tranh; tạo lợi thế tối ưu hóa các nguồn lực để giải quyết những vấn đề chung đặt ra cho hai địa phương. Cũng do chưa có cơ chế, chính sách liên kết cụ thể nên việc định hướng, thực hiện liên kết phát triển chưa rõ ràng, hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, KKT Nam Phú Yên đang được tổ chức điều chỉnh theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng đã được phê duyệt, UBND các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng kế hoạch đầu tư theo quy định; từng bước định hình phát triển không gian vùng. Điểm nổi bật là quy hoạch phát triển được điều chỉnh theo hướng vừa phù hợp thế mạnh của từng địa phương vừa hài hòa với sự phát triển vùng, từng bước hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm.

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đã rút ngắn tuyến đường bộ nối liền Khu kinh tế Vân Phong đến sân bay Tuy Hòa.

Có thể nói, dự án hầm đường bộ qua đèo Cả hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 6/2016 đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí cũng như bảo đảm an toàn giao thông qua đèo Cả là hình ảnh rất sinh động, nhiều ý nghĩa về tăng cường liên kết giao thông. Thực hiện liên kết, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là đòn bẩy, tạo động lực phát triển trong liên kết, với mục tiêu xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, trong điều kiện còn khó khăn, Phú Yên đã cố gắng đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Đáng chú ý là tuyến đường từ cảng nước sâu Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên) kết nối quốc lộ 1A đi KKT Vân Phong, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án này đã được thẩm định xong bước báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Thực hiện liên kết, hai tỉnh cố gắng hoàn thiện thủ tục, tiến hành đầu tư nhiều dự án quan trọng, có tính động lực cao như tuyến đường bộ từ KKT Vân Phong đến sân bay Tuy Hòa; nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa đạt công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên; tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên; tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam đoạn đi qua địa phận tỉnh Phú Yên; tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang… Về cảng biển, Phú Yên kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng Bãi Gốc; nâng cấp cảng Vũng Rô kết nối với cảng Vân Phong, phát huy tối đa vai trò là cửa ngõ ra Biển Đông của cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng tốc phát triển KT-XH vùng, hai tỉnh cùng đề xuất Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho Phú Yên và Khánh Hòa vào vùng kinh tế trọng điểm, hoặc được hưởng chính sách như vùng kinh tế trọng điểm; cơ chế ngân sách để lại một phần hoặc toàn bộ số tăng thu so với dự toán bao gồm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu nội địa phát sinh trên địa bàn đến năm 2030; thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 0% trong thời hạn 15 năm đối với các dự án mang tính động lực; miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; miễn, giảm thuế đối với nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao…

Theo đề án liên kết, mục tiêu đặt ra giai đoạn 2021-2025 KKT Vân Phong thu hút ít nhất 150 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mới; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách tỉnh chiếm từ 30 đến 40%; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho 10 nghìn lao động. KKT Nam Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025 thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 30 đến 50 dự án; doanh thu đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 11 nghìn lao động.

Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh tỏ rõ quyết tâm và kỳ vọng đề án sẽ tạo bước chuyển mới trong thực hiện quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển của vùng được phát huy, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH không chỉ của Phú Yên và Khánh Hòa mà còn của khu vực Nam Trumg Bộ và Tây Nguyên cũng như cả nước.

(Theo Báo Nhân dân)