21/09/2021 15:33        

Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành cùng thực tiễn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh TTXVN

Lý luận có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò của người chiến sĩ tiên phong.

Giữa lúc cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, chìm trong bóng tối; Nguyễn Văn Ba (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau khi bôn ba khắp các châu lục, vừa nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, nhất là đọc Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Người đặt ra câu hỏi và tự trả lời là: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì”.

Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như “người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930) là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo mà còn là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản; là kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng với lý luận chiến tranh nhân dân, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn chiến lược và lộ trình, bước đi để phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm, 25 năm tới. Yêu cầu phát triển đất nước đòi hỏi không thể để kéo dài tình trạng lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, phải có tầm nhìn vượt trước; phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển(2).

Để lý luận vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn cần phải thực hiện đồng bộ một hệ thống giải pháp, nhất là những giải pháp sau:

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và thực hiện nghiêm túc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng ta về vị trí, vai trò của lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (3). Điều đó đòi hỏi, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp, trong nhận thức và hành động cần nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo; kiên quyết khắc phục thái độ xem nhẹ, thậm chí coi thường lý luận, “coi khinh lý luận” như Bác Hồ đã lưu ý.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”(4). Đại hội VI của Đảng nêu rõ “phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy… Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(5). Đại hội XIII của Đảng xác định các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó định hướng thứ nhất nêu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”(6).

Thứ ba, gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(7). Đại hội XIII đề ra yêu cầu: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”(8).

Thứ tư, thực hành dân chủ, khuyến khích tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó cũng là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. 

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Đảng ta luôn coi trọng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã chỉ rõ: Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó.

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THÔNG

Nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư

(Nguồn Báo Nhân dân)

-----------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Hà Nội, 2011, Tập 2, tr.289.
(2) Tạp chí Cộng sản, số 965 (5/2021), tr.6.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr.273, 274.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.95.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG Hà Nội năm 2006, tập 47, tr.459.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, 2021, Tập 1, tr.114.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.95.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, Tập 1, tr.181, 182.