16/07/2021 16:22        

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 16/7/1947

“Những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc thì dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh."

 

Đây là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống khoan dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam khi Người trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài ngày 16 tháng 7 năm 1947. Thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Đây cũng là lúc xuất hiện các quan điểm trái chiều về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cần phải được định hướng cho thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nước nào cũng có những đảng phái với những quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Song khi lợi ích chung của dân tộc bị lâm nguy thì các đảng phái phải đoàn kết để cứu nước. Do đó, sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là thực hiện lợi ích chung của dân tộc. Nếu đảng phái nào lợi dụng sự khác nhau về quan điểm chính trị mà phản kháng chiến, phản nhân dân, đi theo phe địch thì quốc dân không thể tha thứ, lịch sử không thể khoan dung. Song nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc.

Tư tưởng nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh đã thấu suốt trong các chủ trương, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với tù, hàng binh. Truyền thống, chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo không chỉ đối với những người Việt Nam lầm đường, lạc lối đi theo giặc, nay giác ngộ và trở về với Tổ quốc, mà được quân và dân ta đối xử khoan hồng, nhân đạo với cả những tù, hàng binh, những người đã mang bom, đạn đến tàn phá quê hương, cướp bóc tài sản, giết hại người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. Lòng khoan dung, vị tha, độ lượng, chính sách khoan hồng, nhân đạo thể hiện sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả vì con người, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả, chấp hành nghiêm chính sách đối với tù, hàng binh… hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ngày 17/7/1966

“ …Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[17].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17 tháng 7 năm 1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; song giá trị của lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn không hề thay đổi. Chân lý đó đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng chính là cội nguồn để tạo nên “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử” góp phần nâng cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.