“Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân”
Kết luận nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II”, đọc ngày 07 tháng 7 năm 1958. Đây là thời kỳ miền Bắc bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế – văn hóa (1958 – 1960). Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế và xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận, biểu dương, khích lệ thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã đạt được trong những năm đầu đất nước hoà bình, khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Lời dạy của Người đã cổ vũ, động viên, kêu gọi mọi người hăng hái phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong Đại hội. Mặt khác, đã chỉ ra cách thức rèn luyện, phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên, phải luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích riêng của cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, không sợ gian nguy, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mẫu mực về đạo đức, lối sống, không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi về lợi ích và hưởng thụ, luôn giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Đồng thời, Bác chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội – một chế độ xã hội mà con người được đặt ở vị trí trung tâm, được bảo đảm về mọi quyền lợi chính đáng, được phát triển toàn diện bản thân.