Đây là nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi phỏng vấn của một phóng viên nước ngoài: “Sau khi chiến tranh kết liễu thì chương trình kiến thiết của Việt Nam sẽ thế nào? Địa vị người tri thức Việt Nam sẽ thế nào”, vào ngày 22 tháng 6 năm 1947
Câu nói “Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức Việt Nam và vai trò của trí thức đối việc củng cố và bảo vệ chính quyền; đồng thời, còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo, phát huy vai trò quan trọng, địa vị và sự đóng góp cần thiết của đội ngũ trí thức với công cuộc kiến thiết nước nhà. Thực hiện tư tưởng của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp kiến quốc, giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo thành khối liên minh bền vững giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, lực lượng nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày nay, thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lời Bác dạy có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, tiếp tục được Đảng, nhà nước ta nghiên cứu vận dụng sáng tạo làm cơ sở cho xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nòng cốt. Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, giỏi về chuyên môn, giàu về năng lực, hiểu biết sâu sắc trên từng lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, tiếp nhận nhanh và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật, để tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..