03/06/2021 10:33        

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 03/6/1955

“Đồng bào miền Bắc tuy có khó khăn do chiến tranh để lại, nhưng ai cũng an cư lạc nghiệp, được hưởng tự do dân chủ và phấn đấu cho một tương lai vẻ vang. Cho nên đồng bào miền Bắc càng phải thương xót và phải giúp đỡ đồng bào miền Nam đấu tranh”

 

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong bài viết: “Nhà triệu phú biến thành người ăn xin”, ký tên C.B, đăng trên Báo Nhân dân, số 457, ngày 03 tháng 6 năm 1955. Trong điều kiện chiến tranh, đất nước tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc, ở miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội chủ nghĩa. Còn đồng bào miền Nam bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều gia đình mất hết nhà cửa, của cải, mất tự do, trở thành nghèo đói. Thấu hiểu hoàn cảnh của đồng bào miền Nam, Bác Hồ viết bài “Nhà triệu phú biến thành người ăn xin” nhằm kêu gọi tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ những khó khăn của nhân dân miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lời kêu gọi của Bác có ý nghĩa vô cùng lớn lao không chỉ động viên, cổ vũ đồng bào miền Bắc vượt lên những khó khăn, thách thức để khắc phục hậu quả của chiến tranh mà còn cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn, hy sinh của đồng bào miền Nam, biến tình cảm thương xót thành hành động cách mạng, tích cực tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam, không tiếc sức người, sức của để chi viện, ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Nam cả về tinh thần và vật chất để đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, động viên, khích lệ tinh thần hăng say chiến đấu, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân miền Nam.

Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, song lời Bác dạy vẫn còn giá trị thực tiễn sâu sắc. Thực hiện lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước vẫn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, cùng hướng về đồng bào mỗi khi bị thiên tai, hoạn nạn, bão lũ... với tinh thần “thương người như thể thương thân ”, “chia sẻ ngọt bùi”“lá lành đùm lá rách”… đó chính là đạo lý, là truyền thống, là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc ta và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát huy tốt tinh thần “đồng cam, cộng khổ”; đoàn kết một lòng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã trở thành một biểu tượng cao đẹp về tinh thần thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền, ủng hộ, giúp đỡ, đồng bào gặp khó khăn về vật chất, tinh thần.