18/05/2021 16:00        

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 18/5/1963

“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”

 

Câu nói trên của Hồ Chí Minh trích trong “Bài nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam” ngày 18 tháng 5 năm 1963, bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất.

Đây chính là phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức nghiên cứu khoa học; khoa học phải gắn với nhiệm vụ, với đời sống xã hội; khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiến và quay lại phục vụ chính thực tiễn và phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trong các thời kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, Người chú trọng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển khoa học và kỹ thuật.

Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các thành phần kinh tế; quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và kỹ thuật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc đã được Đảng ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình; trong đó, xác định cùng với giáo dục đào tạo, thì khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều giải pháp trong nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng, được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngào, tâm huyết, yêu nghề. Các phong trào: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Tuổi trẻ tiến quân vào khoa học công nghệ”… được đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động hưởng ứng thực hiện, ngày càng xuất hiện nhiều công trình, đề tài khoa học, sáng kiến có giá trị cao, được ứng dụng có hiệu quả, góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.