“Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành”
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chi bộ và cốt cán ở nông thôn, năm 1954.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc hơn 80 năm thực dân Pháp đô hộ và tiến hành việc cải cách ruộng đất. Do vậy, yêu cầu đặt ra phải sớm xây dựng những cán bộ cốt cán gương mẫu, nhất là ở nông thôn để làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đạt được nguyện vọng của quần chúng. Phương pháp giáo dục dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, lí luận gắn với thực hành của Người thực sự đem lại hiệu quả tích cực, không gây áp lực, mang đến sự hào hứng và nhu cầu học tập thiết thực cho người học, để hiểu biết thêm, nâng cao thêm trình độ, gắn lý thuyết đã học vào giải quyết các công việc do thực tiễn đặt ra. Lời Bác dạy, là những chỉ dẫn quan trọng về phương pháp trong giáo dục, huấn luyện cán bộ, coi trọng cán bộ cấp huyện, xã, góp phần không nhỏ vào việc đào tạo một đội ngũ cán bộ cốt cán, thạo việc, tư tưởng thông, lập trường vững, giải quyết tốt các công việc mà Đảng và Nhà nước giao phó và các vấn đề phát sinh từ thực tiến…
Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, công tác giáo dục, nhất là giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở cơ sở, chi bộ, được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương coi là công việc thường xuyên, gắn với chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ…, việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng đã gắn liền với thực hành trong công tác đã có nhiều chuyển biến quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng.