Một mùa hè trăn trở… Miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội. Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Hiểu được ý Bác. Anh Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, bố trí nơi Bác đến tắm được gần dân, xa bãi tắm của du khách nghỉ hè.
Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển.
Bác hỏi một đồng chí cán bộ đang sánh bước với Bác:
- Chú có biết kéo lưới rùng không?
- Dạ… không (cười trừ) - không biết Bác ạ.
- Thế chú biết cầm chèo chứ?
- Dạ cũng không, thưa Bác.
- Cũng không biết. Chú khai thành phần của chú là dân nghèo miền biển kia mà!
- Cháu ở vùng biển nhưng chỉ làm công việc trên cạn, thưa Bác.
Bác cười ý nhị, nói vui: “Có lẽ Ban Tổ chức thêm mục khai lý lịch thành phần “Ngư dân không biết nghề biển”.
Bác đã từng dự Đại hội Quốc tế nông dân tại Liên Xô, khi làm thủ tục giấy tờ, Bác khai xuất thân gia đình nhà Nho, bản thân là thủy thủ. Tại Đại hội này, Bác đọc một tham luận được hoan nghênh nhiệt liệt và được bầu vào Ban Chấp hành và Ủy viên Chủ tịch đoàn Hội nông dân thế giới. Có ý kiến phân vân: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sinh trong một gia đình trí thức (nhà Nho), nghề nghiệp là thủy thủ có hiểu biết về nông dân không mà bầu đồng chí ấy vào cấp lãnh đạo tối cao như vậy? Đại hội bế mạc. Các đại biểu dự Đại hội đã về tham quan một nông trang thí điểm ngoại thành Mát-xcơ-va. Bấy giờ nông dân Liên Xô chủ yếu vẫn cày ruộng bằng ngựa. Bác bước xuống ruộng xin anh nông trang viên cho cày thử. Bác cầm cày thúc ngựa đi băng băng, những luống cày ngả vạt đều tăm tắp. Các đại biểu nông dân quốc tế trầm trồ, thốt lên: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thủy thủ mà cày giỏi quá”.
Họ có biết đâu Bác đã tập cày từ năm Bác còn ở làng Sen, lúc mười bốn, mười lăm tuổi. Rồi ngày Bác sang nước Mỹ, đến New York, làm thợ cày trong trại trồng nho ở Brucklin để xem xét cái phương thức làm, ăn của người nông dân ở một nước “Văn minh nhất thế giới”.
Từ trong xóm chài ra bãi tắm, Bác mặc đồ của người đi nghề biển. Lúc qua ngõ một ngôi nhà gần đường, có ông cụ trạc tuổi Bác đang ngồi trên chõng tre với be rượu vừa đan lưới vừa trông mấy đứa cháu chơi ở sân. Cụ nhìn thấy khách lạ đến tắm biển thì đon đả:
- Mời cụ và mấy ông vô uống với tôi “Nhật tảo nhất bôi tửu” (Buổi sớm uống chén rượu)... Rồi hãy ra bến tắm.
Bác Hồ bước vào sân, chào hỏi ông cụ chủ nhà rất tự nhiên:
- Về già mà được cái thú vui “rượu sớm trà khuya” như cụ thế này là nhàn rồi, cụ nhỉ?
- Thưa phải... không giấu gì cụ, cũng chỉ mới được nhàn thân chút đỉnh, còn tâm thì chưa nhàn tý nào ạ.
Bác cầm ly rượu lên để đáp tấm thịnh tình của ông cụ chủ nhà.
Ông cụ thấy khách cầm ly rượu trong tay mà chưa nhấp môi nên nhắc vui:
- Thưa cụ, ở bên Tàu, đời nhà Tần mới có chuyện “Bôi cung xà ảnh” ạ.
Bác Hồ nhấp liền một chút rượu, Bác cười:
- Cụ vẫn còn nhớ cái tích ông Lạc Quảng mời rượu bạn. Bạn thấy con rắn nằm trong chén rượu sợ không dám uống, về sau mới nhận ra đó là cái bóng dây cung treo trên xà nhà. Cho nên, tin nhau là điều tối quan trọng, phải không cụ!?
Cụ chủ nhà thấy khách tương đắc với mình, cụ càng vui câu chuyện:
- Quả vậy thưa cụ. Ở thời nay chúng ta không có “Bôi cung xà ảnh” mà có “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” ạ.
Bác Hồ nhìn ra biển, hỏi sang chuyện khác.
- Hợp tác xã ta làm ăn có ra gì không, thưa cụ?
- Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ… không giấu gì cụ và quý ông nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì… khó nói quá… xin để lúc khác, cụ và quý ông còn nghỉ mát ở đây, giờ ra tắm nắng còn dịu nước mát, lát nữa nắng cháy da sém thịt mất…
Bác Hồ tạm biệt cụ, khi ra khỏi ngõ, Bác nói với các cán bộ cùng đi với Người:
- Ông cụ chưa tin ở chúng ta để nói ra cái sự thật về cán bộ của hợp tác xã này. Ông cụ mới hé ra “nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì…”. Sau tiếng “thì” ấy của ông cụ có thể là “làm tồi, làm dở, làm việc xấu… việc bậy bạ”...
Bác cởi trần chỉ mặc chiếc quần cộc, sải bước dài đi tới chỗ bà con đang đánh cá. Người vừa hỏi bà con “cá vào trong lộng có dày không”, vừa đưa tay cầm ngay dây kéo lưới rùng với họ như một lão ngư thân thuộc biển cả, thân thương với bà con. Cả buổi sáng kéo lưới với dân, Bác đã nghe được bao điều sự thật từ dân. Bác càng ngẫm ra điều ông cụ xóm chài nói là vô cùng sâu sắc. Bác giải thích cho anh em đi cùng:
- Ông cụ trong xóm chài nói “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” nếu chỉ hiểu đơn giản thì “nhật” là mặt trời, “nguyệt” là mặt trăng. Tức là trong ly rượu có bóng của ngày rộng tháng dài. Còn có nghĩa, chữ nhật ghép với chữ nguyệt thành chữ minh. Minh là sáng. Thế thì “Nhật nguyệt tuy minh nan chiếu khúc bồn chi hạ”, mặt trời, mặt trăng tuy sáng nhưng không thể thấu được một khi cái chậu đã úp xuống. Cho nên, ông cụ xóm chài lúc nói về tình hình làm ăn của hợp tác xã, cụ hô khẩu hiệu “Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ “nhưng” hợp tác xã nói nghe rất hay còn làm thì… khó nói quá”…Thế nghĩa là, thực chất cái hợp tác xã có khác gì cái chậu đã úp xuống thì mặt trăng, mặt trời có sáng đến đâu cũng không thể rọi thấu được.
Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác…
Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ! Ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình.
Dân tin Bác. Bởi lẽ, Bác nói đi đôi với làm. Bác yêu nước thương dân thật. Thật trọn đời.
Ngõ Văn mùa đông 1993
-----------------------
Theo Nhà văn Sơn Tùng/Baogiaothong