“Anh hùng là những người thật cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Ai là Anh hùng?”, bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân số 54, ngày 17/4/1952. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta liên tiếp giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, tiêu biểu trong sản xuất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng trước tiên phải là người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính; có những phẩm chất cao đẹp của đạo đức cách mạng: Cần cù, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch...; đồng thời phải hết lòng, hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân. Đó là những người đặt lợi ích cách mạng cao hơn hết; có tinh thần trách nhiệm và tính tích cực hơn hết; lòng son dạ sắt, suốt đời đấu tranh vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc, không bao giờ nghĩ đến lợi ích riêng cho mình.
Để động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua hăng hái sản xuất, chiến đấu, Đảng và Nhà nước đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ nhất, từ ngày 01 đến ngày 6/5/1952, tại Chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự, chỉ đạo và phát biểu tại đại hội. Đây là đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của đại hội đã cổ vũ, động viên quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.