21/02/2021 22:47        

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 28/02/1957

“Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”

 

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích ở bài nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, ngày 28 tháng 2 năm 1957. Đầu năm 1957, miền Bắc hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 2 năm, công tác văn nghệ cũng đã có bước phát triển mới và thành tựu mới, đến dự với Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 Bác đã phát biểu: “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ khẳng định tầm quan trọng của tự phê bình, phê bình, của đấu tranh đối với đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức, mỗi người nói chung, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ nói riêng phải luôn đề cao ý thức phê bình, ý thức đấu tranh để xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành mình. Đồng thời, phải nhận thức sâu sắc đấu tranh, phê bình và tự phê bình chính là quy luật, động lực của sự phát triển. Đấu tranh, phê bình phải thật thà, trung thực, không lợi dụng phê bình để trù dập lẫn nhau. Đấu tranh, phê bình để đi đến thống nhất, đoàn kết hơn, cùng nhau phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, lời dạy “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước" vẫn giữ nguyên giá trị, không những là tư tưởng chỉ đạo mà còn là yêu cầu đòi hỏi các tổ chức đảng, đoàn thể cách mạng phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải tích cực đấu tranh, tự phê bình và phê bình, tự phê bình và phê bình có tình thân ái, phải đúng người, đúng việc, phải thật thà trung thực để đi đến đoàn kết và phát triển ngày càng tốt hơn.