06/09/2021 16:14        

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được xem xét trợ lực

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN) hoạt động là ưu tiên hàng đầu.

 

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn 

 

Dự kiến 8 tháng năm 2021, nhiều lĩnh vực sản xuất có chỉ số giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các chỉ đạo quyết liệt nhằm khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và nhiều chính sách giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình ban hành và thực thi chính sách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, dịch Covid-19 khiến các DN, người lao động hoạt động trong ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, giải trí... phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và sự phục hồi. 

Một dây chuyền sản xuất mới được Khatoco lắp ráp.

 

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực nêu trên không nhiều; việc hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương gặp khó khăn do phải đáp ứng điều kiện DN không có doanh thu hoặc không có khả năng tài chính để trả lương. Một số chính sách giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế cũng bị hạn chế hiệu quả do nhiều DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc không có lợi nhuận để nộp thuế nên không được hưởng lợi từ các chính sách. Hiện nay, chưa có nhiều chính sách nhằm kích thích nhu cầu của nền kinh tế, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, cũng như các chính sách về công nghiệp để tận dụng cơ hội thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn phát triển đột phá.

Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, thực sự các DN sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ, song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Để có các giải pháp hữu hiệu thì cần có những chính sách thiết thực hơn nữa. 

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa.  

 

Tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Để giúp các DN sớm ổn định sản xuất, tỉnh sẽ xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp cụ thể; tạo ra chính sách kích thích nhu cầu của nền kinh tế, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước cũng như các chính sách công nghiệp để tận dụng cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn phát triển. Tỉnh cũng giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong thực hiện gấp rút việc tiêm phòng cho người lao động ở các DN nhằm tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh được thông suốt. Đây cũng chính là tiền đề để DN có thể sớm phục hồi sau đại dịch.

Nhằm tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh, mới đây, UBND tỉnh tiếp tục đưa ra những giải pháp tháo gỡ, phục hồi kinh tế. Các sở, ban, ngành và địa phương chủ động đánh giá những chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã ban hành thời gian qua thuộc lĩnh vực quản lý, làm cơ sở đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ mới phù hợp tình hình thực tiễn về phòng, chống dịch, các mục tiêu phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Trong lĩnh vực tài chính, căn cứ những quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên tình hình tài chính của khách hàng để đưa ra mức lãi suất phù hợp cho các khoản vay của DN. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, trích lợi nhuận để tăng quỹ dự phòng, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho khách hàng vay vốn. UBND tỉnh đã đề nghị các ngân hàng xem xét triển khai gói hỗ trợ lãi suất tín dụng cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; tiếp tục có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí liên quan đến hoạt động vận tải để hỗ trợ các đơn vị vận tải duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay và tạo động lực phục hồi, phát triển trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, vừa tái tạo nguồn lực cho DN, hộ kinh doanh phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu các chính sách mới được thông qua, dự kiến DN sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với DN và tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.

Theo: Báo Khánh Hòa