06/11/2021 10:07        

Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức

Đó là tên Hội thảo khoa học trực tuyến do Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức chiều 5-11.


GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cùng các đồng chí: Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương); Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn; Dương Hồng Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trì Hội thảo.

đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ 

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ  nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, đó là tư tưởng của Người. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Kế thừa, vận dụng tư tưởng của Người, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức đã được Đảng ta quan tâm từ nhiều kỳ đại hội và chính thức được đặt ra tại Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực tổ chức thực hiện, tạo được những chuyển biến về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, số lượng tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đạo đức vẫn còn nhiều, hành vi suy thoái đạo đức ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp; phạm vi và mức độ suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Từ thực tiễn đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những quan điểm chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh một cách toàn diện, trong đó có tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức. Quan điểm đó là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.

Trong giai đoạn mới, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng, trọng trách của Đảng càng nặng nề, đặc biệt là trong điều kiện đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch. Xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là một yêu cầu có tính cấp bách và cần thiết.

Tại Hội thảo, có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp của các đại biểu từ điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên, phân tích làm rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức hiện nay; thực trạng, bài học kinh nghiệm trong xây dựng Đảng về đạo đức ở Lạng Sơn, Thái Nguyên và một số đơn vị  như Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), Học viện Chính trị khu vực I (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); phương hướng, giải pháp đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức thời gian tới.

GS, TS. Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận tại Hội thảo.

 

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, Hội thảo bàn về một vấn đề không mới, nhưng rất cấp thiết, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra cho Đảng những trọng trách nặng nề, đòi hỏi Đảng ta phải thật sự trong sạch, vững mạnh. GS, TS. Phùng Hữu Phú cũng chỉ rõ, yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức gắn chặt với yêu cầu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, trong đó xây dựng Đảng về chính trị, ttư tưởng, tổ chức và cán bộ dựa trên nền đạo đức và đạo đức thẩm thấu vào tất cả các lĩnh vực. Thực tiễn cũng cho thấy, đạo đức là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Từ 55 bài tham luận gửi về Hội thảo cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp với các góc nhìn đa chiều, GS, TS. Phùng Hữu Phú khẳng định, Hội thảo đã được chuẩn bị và tổ chức nghiêm túc, chất lượng, là hình thức sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực, giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp thu kinh nghiệm của nhau. GS, TS. Phùng Hữu Phú cũng nhấn mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên, kết hợp nhiều giải pháp, quan trọng là phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng cho được các chuẩn mực đạo đức trong tình hình mới của các ngành, các cấp, địa phương, tạo môi trường giáo dục nhân văn đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, suy thoái về đạo đức, nhất là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã chỉ ra.

 

Xây dựng Đảng