07/10/2021 09:40        

TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ ĐỂ TĂNG CƯỜNG NGUỒN LỰC CHO ĐẤT NƯỚC

Đất nước ta đang trải qua những khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình phát triển. Ngay sau khi công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đạt những kết quả bước đầu quan trọng, cả nước lập tức bắt tay vào khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn trong dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội…

Để hoàn thành những mục tiêu phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, gian nan mà muốn thành công, chúng ta phải có sự chung tay, đoàn kết, chia sẻ và quyết liệt của từng cá nhân, từng đơn vị, địa phương, cơ quan cho đến cả cộng đồng xã hội.

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam từng bước lấy lại sức mạnh phát triển, vốn đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong nhiều tháng liền. Để thành công, ngay từ bây giờ, cả nước phải quyết tâm, ra sức thực hiện tốt những nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, tuân thủ nghiêm túc, triệt để sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc hội.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cắt giảm kinh phí thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu năm 2021; tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí, 10% chi thường xuyên khác còn lại và cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã giao các bộ, cơ quan trung ương… Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Sau một thời gian dài quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, chăm lo cho đời sống nhân dân, duy trì sản xuất, ngân sách nhà nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, việc tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực giờ đây phải được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, được đặt lên hàng đầu để ưu tiên thực hiện và quán triệt sâu sắc. Chỉ có tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực thật hiệu quả, chúng ta mới có thể bổ sung thêm nguồn lực cho đất nước trong giai đoạn đầy thách thức này. Việc tiết kiệm phải được thể hiện bằng hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, từ mỗi cá nhân cho đến lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan trung ương…

Mỗi người dân tiết kiệm trong chi tiêu, trong cuộc sống để bảo đảm cuộc sống của bản thân, gia đình, đồng thời khi có thể sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các chương trình hướng về người dân của Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan chức năng. Các cơ quan, đơn vị tiết kiệm để dành ngân sách cho hồi phục công tác, lao động, sản xuất. Các địa phương tiết kiệm trong từng hoạt động, tiết kiệm trong chi thường xuyên để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tự bảo đảm các hoạt động phòng, chống dịch và an sinh xã hội…

Đó còn là những quyết định khẩn trương cắt giảm, bãi bỏ thủ tục giấy tờ hành chính hướng về lợi ích người dân, doanh nghiệp trong hoàn cảnh đang có hàng nghìn người trở về quê hương tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. Đó còn là việc cắt, giảm những dự án luật, dự án đầu tư, chương trình… chưa thật sự cần thiết, chưa thật sự đủ điều kiện xem xét, thông qua để dành ngân sách cho những lĩnh vực đang rất khó khăn. Đó còn là việc khẩn trương xây dựng tiện ích trên internet, trên điện thoại thông minh để giúp người dân thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động, sản xuất. Đó còn là những chính sách thông thoáng, đổi mới, quyết liệt để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng về thị trường sản xuất đang dần hồi phục…

Tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực hiện nay không thể chỉ bằng những lời phát biểu, kêu gọi, lời hứa chung chung mà phải thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, phải trở thành một kim chỉ nam không thể chậm trễ của cả đất nước. Trong quá trình đó, bất cứ ai, ở vị trí nào nếu có hành vi đi ngược lại tinh thần đó cần phải được xử lý nghiêm… 

(Theo Báo Nhân dân)